BHXH là chế độ mà người lao động (LĐ) bắt buộc phải tham gia nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi bị giảm hoặc mất thu nhập do rủi ro ốm đau, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp,… trên cơ sở mức tiền lương đã đóng vào. Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, ông Phạm Minh Dương - Giám đốc BHXH tỉnh đã cung cấp một số thông tin cũng như quy định cần biết về mức đóng, mức hưởng BHXH bắt buộc.
BHXH là chế độ mà người lao động (LĐ) bắt buộc phải tham gia nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi bị giảm hoặc mất thu nhập do rủi ro ốm đau, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp,… trên cơ sở mức tiền lương đã đóng vào. Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, ông Phạm Minh Dương - Giám đốc BHXH tỉnh đã cung cấp một số thông tin cũng như quy định cần biết về mức đóng, mức hưởng BHXH bắt buộc.
* Xin ông cho biết mức đóng BHXH bắt buộc hiện nay được quy định ra sao?
- Tại Điều 85 và Điều 86 Luật BHXH quy định về mức đóng BHXH bắt buộc đối với người LĐ và người sử dụng LĐ như sau:
- Đối với người LĐ: Hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Riêng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (theo Luật Người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) thì đóng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người LĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người LĐ đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người LĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
- Đối với người sử dụng LĐ, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người LĐ như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất, tổng cộng 18%. Riêng hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí thì đóng 1% vào quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, tổng cộng 23%. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
* Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc được quy định thế nào, thưa ông?
- Tại Điều 89 Luật BHXH quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:
- Người LĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Riêng người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.
- Đối với người LĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng LĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về LĐ. Từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về LĐ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
- Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
* Lương hưu là chế độ nhận được nhiều sự quan tâm, được biết nếu mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ cao tương ứng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Theo quy định hiện hành, BHXH có 5 nguyên tắc để thực hiện. Trong đó quy định mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH; mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người LĐ.
Như vậy, việc đóng BHXH với tiền lương, tiền công càng cao và thời gian đóng càng dài thì mức lương hưu được hưởng sẽ càng cao. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
* Vậy người LĐ đóng BHXH bắt buộc như thế nào để hưởng lương hưu cao hơn, thưa ông?
- Theo Luật BHXH, mức lương hưu hàng tháng đối với trường hợp đóng BHXH bắt buộc đều được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người LĐ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH (mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) và số năm đóng BHXH. Cụ thể:
- Đối với mức đóng BHXH, đóng với mức lương càng cao thì lương hưu càng cao. Nếu mức đóng BHXH bắt buộc (là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) càng cao thì mức hưởng lương hưu cũng cao tương ứng.
- Đối với thời gian đóng BHXH, thời gian đóng càng dài thì lương hưu càng cao. Thời gian đóng BHXH cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mức hưởng lương hưu của người tham gia. Trong đó, nguyên tắc chung là đóng càng lâu được hưởng lương hưu càng nhiều.
* Trân trọng cảm ơn ông!
P.TẤN (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin