QL54 dài hơn 155km, nằm cặp sông Hậu (tên cũ là Tỉnh lộ 37), kết nối tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh. Trong khi đoạn qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thì đoạn qua tỉnh Vĩnh Long hơn 50km, dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương đưa ra nhiều phương án, nhưng đến nay vẫn chưa thể bố trí vốn.
Tai nạn giao thông và ùn tắc cục bộ thường xảy ra trên QL54. |
(VLO) QL54 dài hơn 155km, nằm cặp sông Hậu (tên cũ là Tỉnh lộ 37), kết nối tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh. Trong khi đoạn qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thì đoạn qua tỉnh Vĩnh Long hơn 50km, dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương đưa ra nhiều phương án, nhưng đến nay vẫn chưa thể bố trí vốn.
Điều này không chỉ tạo điểm nghẽn trong phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc sông Hậu, mà còn là “điểm đen” trong lưu thông khi quốc lộ này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Kỳ 1: Hơn 50km nhưng... 23 năm lỗi hẹn!
Cử tri Vĩnh Long đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông- Vận tải sớm có kế hoạch nâng cấp, mở rộng tuyến QL54 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách phân bổ còn hạn hẹp nên việc triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn qua tỉnh Vĩnh Long đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Nỗi ám ảnh “ổ gà, ổ voi”
Năm 1999, Bộ Giao thông- Vận tải đầu tư toàn tuyến QL54, có điểm đầu tại Vàm Cống và kết thúc tại TP Trà Vinh. Đoạn thuộc địa phận Đồng Tháp qua 2 huyện Lấp Vò và Lai Vung có chiều dài 31,6km; đoạn tỉnh Vĩnh Long (từ cầu xã Hời đến cầu Trà Mẹc) đi qua TX Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình và Trà Ôn có chiều dài 51,64km; đoạn tỉnh Trà Vinh đi qua các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và TP Trà Vinh dài 77km.
Do đi qua nhiều địa phương, đặc biệt nhiều tỉnh- thành khu vực ĐBSCL, cho thấy vai trò rất lớn của tuyến quốc lộ này trong việc kết nối vùng, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy liên kết và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 đầu tư nền đường rộng 6,5m mặt đường rộng 3,5m láng nhựa; giai đoạn 2 nâng cấp thành đường cấp IV đồng bằng (nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m).
Tuy nhiên, do phương tiện lưu thông tăng nhanh, đoạn đi qua các tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh sau đó đã được nâng cấp, mở rộng, trong khi đoạn qua Vĩnh Long vẫn chưa được triển khai.
Đặc biệt, đầu năm 2010 sau khi thông xe cầu Trà Ôn, cùng với việc đưa vào sử dụng cầu Cần Thơ, lượng phương tiện vận tải từ tỉnh Trà Vinh đi Cần Thơ trên QL54 tăng lên đột biến.
Theo Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Vĩnh Long, bình quân hơn 2.000 lượt ô tô/ngày đêm. Vì vậy, dù được gia cố thêm lề đường cũng như duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhưng tuyến đường vẫn… ngột ngạt phương tiện.
Một tài xế lưu thông thường xuyên tuyến đường này bức xúc: “Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra ở đây. Do mặt đường chỉ rộng 5,5m, 2 xe tải qua mặt là… hết lộ, vì vậy phải tìm chỗ né trước. Gặp lúc công nhân tan tầm, phương tiện tăng là ùn tắc giao thông”.
Bên cạnh, do lưu lượng phương tiện vận tải nặng tăng cao làm cho mặt đường hư hỏng, hiện phần gia cố thêm 1m mỗi bên đoạn qua tỉnh Vĩnh Long nhiều chỗ bị sụt lún nên gần như mặt đường chỉ còn chừng 3m.
Tệ hại nhất là đoạn qua huyện Bình Tân (từ cầu Xã Hời đến cầu Thành Lợi) mặt đường tan nát, nhiều “ổ gà, ổ voi” ngay trên mặt đường.
“Đường xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” như cái bẫy, nên rất nguy hiểm cho người đi xe máy, nhất là vào ban đêm khi trời mưa nước đọng. Hơn nữa, đoạn đường này các em học sinh đi học, công nhân đi làm cũng rất đông. Nhìn thấy mà cứ lo tai nạn luôn rình rập...”- chị Lê Thị Thanh (xã Tân An Thạnh) chỉ tay về tuyến lộ trước nhà và bày tỏ sự lo lắng.
Doanh nghiệp đến rồi “im hơi lặng tiếng”
QL54- đoạn qua huyện Bình Tân nhiều “ổ gà, ổ voi”. |
Huyện Bình Tân có vị trí nằm cặp sông Hậu, ngoài ĐT908 nên liên kết trục giao thông duy nhất là QL54. Với thế mạnh phát triển của khu vực này là trồng cây màu công nghiệp như: Khoai lang, bắp, đậu nành và là vành đai trồng rau xanh của huyện, trong đó có khoảng 1.420ha đất chuyên màu, có khả năng trồng rau cải các loại cung cấp quanh năm cho thị trường; và đây cũng là vùng chuyên canh cây ăn trái như mận, sầu riêng, mít, nhãn…
Huyện Trà Ôn có nhiều dự án và công trình mời gọi đầu tư, nhưng nhiều năm qua vẫn bỏ ngỏ. Đặc biệt, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi (xã Thiện Mỹ) có diện tích 50ha, được UBND tỉnh phê duyệt nhiều năm qua, nhiều nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh đến khảo sát nhưng không trả lời và cũng không nói lý do. |
Ngày 11/5/2022, UBND huyện Bình Tân ban hành kế hoạch về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu chung gắn với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị Tân Quới, quy hoạch sử dụng đất…
Bên cạnh, phối hợp các sở, ngành tỉnh để kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Bình Tân. Tuy nhiên, QL54 nhỏ hẹp, lại xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhiều “ổ gà, ổ voi”, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và vận chuyển giao thương hàng hóa.
Ông Trần Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết: “Hiện nay có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát khu- cụm công nghiệp, nhưng đều than khó về đường giao thông vận chuyển hàng hóa, do QL54 nhỏ hẹp, đường lại xuống cấp. Mặc dù đơn vị bảo trì đường bộ có sửa chữa mặt đường, nhưng đến mùa mưa, đường lại tiếp tục hư, nhất là đoạn qua thị trấn Tân Quới”.
Trong khi đó, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là 2 địa bàn giáp ranh, chỉ có QL54 là trục đường chính để liên kết phát triển kinh tế nhưng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đường không đáp ứng năng lực vận chuyển hàng hóa. Từ đó dẫn đến việc kêu gọi đầu tư rất khó, có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát rồi lại “im hơi lặng tiếng”.
Ông Võ Thành B- Chánh Văn phòng UBND huyện Trà Ôn cũng nhìn nhận, từ sau khi các cầu trên tuyến QL54 hoàn thành, xe tải chở hàng hóa từ Trà Vinh đi Cần Thơ tăng cao, từ đó gây áp lực về hạ tầng giao thông, đặc biệt là từ 17 giờ trở về tối, xe tải lưu thông liên tục, từ đó cũng gây mất an toàn giao thông.
Ông Võ Thành B- Chánh Văn phòng UBND huyện Trà Ôn “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều đề nghị mở rộng QL54 để phát triển kinh tế địa phương, nhưng huyện, tỉnh cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị với Trung ương. Có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát rồi… quay lưng, vì giao thông cả đường bộ và đường thủy đều không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa”. |
Kỳ cuối: Nhiều giải pháp nhưng… tiếp tục chờ đợi!
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin