Sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Đề phòng mưa lớn diện rộng
Trong ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9, khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm/đợt, có nơi trên 180 mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Không ghi nhận thiệt hại về người
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300 mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có 1 nhà sập, 10 nhà tốc mái, và 1 người bị thương nhẹ.
Các tỉnh đều báo cáo hiện chưa có người chết do bão.
Khẩn trương chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão
Từ đầu cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, lúc này phải chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão; cần tổ chức các đoàn công tác đến kiểm tra các địa bàn xung yếu.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết thêm: Bão số 4 đang đổ bộ vào đất liền khu vực giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, cường độ bão khoảng cấp 11-12, giật cấp 14. Bão số 4 đã gây gió mạnh tại một số nơi: Đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Cù lao Chàm có gió mạnh cấp 9; Huế có gió giật cấp 6; Sơn Trà (Đà Nẵng) có gió mạnh cấp 9; Tam Thanh (Quảng Nam) gió mạnh cấp 8, Quy Nhơn, Tuy Hoà có gió giật cấp 6, An Khê (Gia Lai) gió mạnh cấp 6. Khi vào đất liền, phạm vị gió giật mạnh đã thu hẹp lại. Tổng lượng mưa lần này khoảng 400 mm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, từ Quảng Trị đến Bình Định cần tiếp tục cấm biển trong hôm nay. Hiện nay nhiều người dân bắt đầu nôn nóng ra lồng bè của mình để xem thiệt hại thế nào. Cần khẩn trương sửa chữa, khôi phục các trường học. Vùng núi đề phòng mưa cục bộ, hơn 200 mm, cần bố trí lực lượng xung kích ở cơ sở ứng trực sẵn sàng. Đà Nẵng cần kiểm tra tình hình 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.
Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, chưa được ngừng, nghỉ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, đây là cơn bão lớn, công tác chuẩn bị tiến hành công phu, kỹ lưỡng. Đáng mừng là đến nay, thiệt hại sau bão không lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người dân. Cần khẩn trương rà soát các điểm bị thiệt hại, nhà bị tốc mái để hỗ trợ bà con. Các khu vực cây cối đổ, ảnh hưởng giao thông thì các địa phương khẩn trương khắc phục. Rà soát, kiểm tra, tổng hợp đầy đủ thiệt hại sau khi bão tan.
Phó Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, có trường hợp sau bão còn gây ra thiệt hại lớn hơn, ví dụ như thiệt hại do hoàn lưu bão năm 2021. Bảo đảm đi lại thông suốt, an toàn, tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là khi cho học sinh đến trường. Cần tiếp tục theo dõi diễn biến bão để triển khai ứng phó, hiện vẫn chưa được ngừng, nghỉ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan tổ chức đoàn đi kiểm tra ở Quảng Ngãi, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra tại Quảng Nam. Phó Thủ tướng sẽ đi kiểm tra tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bám sát tình hình, không chủ quan, không để bị động, bất ngờ, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra thực tế về ảnh hưởng của bão. Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến bão và các hoạt động khắc phục hậu quả.
Theo Đức Tuân/Báo điện tử Chính Phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin