Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS.) Trần Đại Nghĩa là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Dành một đời nỗ lực học tập và lao động khoa học, GS.VS. Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, hiếu học. Thế hệ hôm nay khắc ghi và nỗ lực noi theo nhà khoa học hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Thế hệ hôm nay nỗ lực học tập, sáng tạo noi gương Trần Đại Nghĩa. |
Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS.) Trần Đại Nghĩa là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Dành một đời nỗ lực học tập và lao động khoa học, GS.VS. Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, hiếu học. Thế hệ hôm nay khắc ghi và nỗ lực noi theo nhà khoa học hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Vượt khó học tập, sáng tạo
Bà Đỗ Thị Thạch- nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và sưu tầm tài liệu viết về GS.VS. Trần Đại Nghĩa, tôi rất cảm phục sự nỗ lực phấn đấu học tập, lao động khoa học không ngừng của ông. Điều tôi đặc biệt chú ý đến ông, là ông đã sử dụng rất tốt thư viện trong học tập cũng như công tác nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí”.
Khi Phạm Quang Lễ được 6 tuổi, cha qua đời với lời trăn trối: “Lễ phải trở thành trụ cột gia đình, phải lo học hành đến nơi đến chốn... phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Lời dặn ấy đã khắc sâu trong tâm trí của Phạm Quang Lễ đến suốt cuộc đời. Nhắc về thời đi học của mình, ông viết: “Hằng ngày, tôi được chứng kiến những cảnh nghèo khổ, cơ cực của người dân ta bị bọn thực dân đô hộ, chà đạp và bóc lột. Tình hình đó đã gây căm phẫn rất lớn trong lòng non trẻ của tôi, và tôi đã có hoài bão là cố gắng học để sau này cùng nhân dân đấu tranh, để giải phóng đất nước”…
Gần 11 năm ở Pháp, ông tốt nghiệp 3 bằng kỹ sư: Cầu đường, điện và chế tạo máy bay, với 6 chứng chỉ về khoa học cơ bản, toán lý hóa và nghiên cứu vũ khí ở Pháp một cách tuyệt mật. Ông đã tìm mọi cách để khai thác tài liệu, lân la làm quen với người thủ thư, để cứ mỗi sáng thứ sáu, ông viết những cuốn sách muốn mượn đưa cho người thủ thư, chiều đến nhận sách và trong 2 ngày phải đọc xong, sáng thứ hai phải trả lại thư viện để không bị phát hiện. Cả ngày chủ nhật ông đóng chặt cửa buồng đọc nghiến ngấu tài liệu, có cuốn dày tới 400- 500 trang. Thời đó, chưa có các phương tiện sao chép, mà máy ảnh cũng không có, nhiều khi Phạm Quang Lễ đã phải thức trắng đêm đọc sách để kịp sáng hôm sau đem sách đi trả.
Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay Halle và Viện Nghiên cứu vũ khí. Kỹ thuật hàng không của Đức lúc bây giờ tiến bộ nhất Châu Âu. Là kỹ sư thiết kế, ông có quyền biết được tất cả những tài liệu hiện có trong phòng. Ông nghiền ngẫm số tài liệu đó đưa vào bộ nhớ của mình, đề phòng nếu thất lạc tài liệu vẫn xoay xở được. Điều lo xa này của ông thật không thừa. Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, cả tấn sách tài liệu về vũ khí mà ông ky cóp trong hàng chục năm trời ở Pháp chuyển về nước bị thất lạc.
Phạm Quang Lễ được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới, Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa”. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Bằng trí nhớ của mình, ông cố gắng moi tất cả những kiến thức về vũ khí để kết nối, tính toán lại. Hình ảnh người kỹ sư miệt mài tính toán tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm với cây thước tính trong tay... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các cán bộ chiến khu. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ phải trả giá bằng xương thịt của chiến sĩ, vì thế trách nhiệm càng đè nặng lên vai ông. Ông chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ góp phần quan trọng để Quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.
Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, GS.VS. Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh kiêm Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Chuyên nghiệp Bách khoa. Ông còn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS. Trần Đại Nghĩa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Noi gương Đại Nghĩa
Tiếp nối truyền thống đầy tự hào của thế hệ đi trước, tuổi trẻ Vĩnh Long đang nỗ lực từng ngày. Con đường, ngôi trường, những phần học bổng, cuộc thi mang tên Trần Đại Nghĩa nhắc nhở các em noi theo tinh thần học hỏi, sáng tạo, trách nhiệm, đem hết trí tuệ và sức lực cống hiến cho đất nước.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa từ năm 2007, đến nay, đã trải qua 8 kỳ thi. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của Nhân dân trong tỉnh Vĩnh Long và nêu cao tấm gương nhà khoa học yêu nước, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, GS.VS. Trần Đại Nghĩa, người con trung hiếu của quê hương Vĩnh Long. Hội thi khai thác phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân, không ngừng tổng kết thực tiễn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhanh chóng ứng dụng đưa tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đơn vị, địa phương và tỉnh nhà.
Ngay trên quê hương Tam Bình, ngôi trường mang tên GS.VS. Trần Đại Nghĩa có nhiều hoạt động để giáo dục truyền thống cho các em. “Tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng tinh thần yêu nước, sự hiếu học cùng những đóng góp của GS.VS. Trần Đại Nghĩa qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi tổ chức cho các em học sinh về nguồn tham quan quê hương của GS.VS. ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình. Chúng tôi liên kết với Khu lưu niệm để vào đầu năm học đưa các em học sinh tham quan, tìm hiểu hiện vật về ông. Chúng tôi còn duy trì tổ chức hội thi truyền thống: “Trần Đại Nghĩa- Tự hào quê hương Tam Bình”. Qua cuộc thi các em hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp của ông, tự hào hơn và phấn đấu học tập tốt hơn”- thầy Trần Hữu Phúc- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết.
Khi về Tam Bình thăm Khu lưu niệm của cha, ông Trần Dũng Trình- con trai thứ tư của GS.VS. Trần Đại Nghĩa kể rằng: “Cha tôi dạy chúng tôi phải luôn luôn nhớ tới công ơn của Bác Hồ, của Đảng. Nhờ có như vậy cha tôi mới trở thành người như ông đang có, chúng tôi mới có điều kiện học hành. Với thanh niên trẻ, đi đâu ông cũng nhấn mạnh tuổi trẻ phải có hoài bão. Hoài bão để xây dựng đất nước mình ngày càng lớn mạnh hơn. Cha nói, hoài bão của thế hệ ông mong muốn đất nước được độc lập, dân tộc ta đã ngẩng cao đầu. Tuy nhiên với các cháu phải có hoài bão lớn hơn nữa, làm cho đất nước phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới”.
Và mỗi hoài bão lớn, muốn thực hiện được đều bắt đầu từ việc học hành, tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình để có thể đương đầu với mọi khó khăn. Thế hệ hôm nay noi gương Đại Nghĩa để nuôi hoài bão và nỗ lực không ngừng thực hiện hoài bão…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin