Đặt sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết

06:09, 16/09/2022

Cháy, nổ gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, đặt ra nhiệm vụ cấp bách, nặng nề trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy để nâng cao kỹ năng, ý thức cho mọi người.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy để nâng cao kỹ năng, ý thức cho mọi người.

Cháy, nổ gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, đặt ra nhiệm vụ cấp bách, nặng nề trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Do đó, ngày 12/9, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành rà soát, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp, trong đó phải đặt sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết.

Nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn tài sản, tính mạng

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nước ta có 389 khu công nghiệp, 15.238 cơ sở xăng dầu, dầu khí, 25.559 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, 30.233 chung cư, nhà cao tầng và hàng trăm ngàn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Song song với những thuận lợi là rủi ro về cháy, nổ, đặt ra yêu cầu ngày càng cấp thiết, nặng nề về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Báo cáo của Bộ Công an cho thấy tình hình cháy, nổ vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Giai đoạn 2017- 2021, toàn quốc xảy ra 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng, 149 vụ nổ; làm chết 497 người, 980 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, xảy ra 1.136 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 52 người, thiệt hại tài sản khoảng 532 tỷ đồng.

Nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vào ngày 1/8 làm 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh, vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) ngày 10/9, vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương vào ngày 6/9 làm 32 người chết, hay gần đây là vụ cháy quán karaoke tại Đồng Nai vào tối 11/9.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, vụ cháy xảy ra khoảng 20 giờ 40 phút ngày 6/9, 12 phút sau đó lực lượng chữa cháy có mặt tại hiện trường, đến khoảng 21 giờ 30 cùng ngày đám cháy được dập tắt. Quán karaoke này xây theo mô hình nhà phố hình ống, khói độc đổ lên cao nên dù công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được triển khai nhanh vẫn xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo Bộ Công an, 90,2% các vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân, chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về PCCC. 45% vụ cháy xảy ra ở khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh. Về cháy lớn, chủ yếu xảy ở những tỉnh- thành có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, tổng kiểm tra tại hơn 23 triệu lượt hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Đặt sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết

Cùng với những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ Công an, hệ thống văn bản về PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều hạn chế, bất cập; trang thiết bị, phương tiện còn thiếu so yêu cầu nhiệm vụ; việc thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao,…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, hiện tỉnh có hơn 28.000 cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC, trong đó có hơn 3.000 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. Thực tế, nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ trong các hoạt động đời sống xã hội ngày càng tăng lên và tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng phức tạp, nghiêm trọng nếu xảy ra sự cố.

Do vậy, tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn cao hơn đối với các loại hình karaoke, quán bar, vũ trường để hạn chế thấp nguy cơ xảy ra cháy nổ, có các chế tài xử lý nhanh các cơ sở vi phạm công tác PCCC.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, sau khi xảy ra vụ cháy tại quán karaoke vào ngày 6/9, công tác chữa cháy và cứu nạn được tiến hành nhanh chóng, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí đối với những người bị thương, tử vong và đưa nạn nhân về quê chôn cất.

Tuần qua, tỉnh tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, phạt hành chính 118 trường hợp, đình chỉ hoạt động 24 cơ sở. Từ các vụ việc vừa qua bộc lộ hạn chế trong việc tiếp cận hiện trường các vụ cháy, mặc dù phương tiện chữa cháy không thiếu nhưng việc đục tường, khoan bê tông rất khó, mỗi lỗ khoan phải mất gần một tiếng đồng hồ thì “thời gian vàng” để cứu nạn nhân đã trôi qua.

Ông Võ Văn Minh kiến nghị Bộ Công an quan tâm đầu tư thiết bị chuyên dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ, thiết bị tháo dỡ công trình để có thể kịp thời tiếp cận hiện trường, cứu hộ nạn nhân sớm nhất, tránh thiệt hại tối đa về người.

Công tác tập huấn, hội thi, hội thao đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Công tác tập huấn, hội thi, hội thao đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm vừa qua là cảnh báo và cho thấy tình hình đã khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, cháy, nổ.

An toàn cháy nổ góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế- xã hội và trong công tác này phải đặt người dân là trung tâm, an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC.

Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở. Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ như: giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn,…

Bên cạnh, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi, cấp bách xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Thực hiện Nghị định 83, từ năm 2017 đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã điều động hơn 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục ngàn người, tìm được 3.350 thi thể nạn nhân. Đồng thời, xây dựng, phát triển, nhân rộng 3.964 mô hình điểm, 14.413 điển hình tiên tiến về PCCC và cứu nạn, cứu hộ để phát huy phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh