Khi mà hệ thống đê bao tiểu vùng, lớn nhỏ khép kín, hoàn thiện, thì đồng bằng càng trở nên dễ ngập và ngập nặng. Khi mà hệ thống đê biển và những công trình cống đập khổng lồ hoàn thành, thì triều cường cũng sẽ xâm nhập gay gắt hơn.
(VLO) Khi mà hệ thống đê bao tiểu vùng, lớn nhỏ khép kín, hoàn thiện, thì đồng bằng càng trở nên dễ ngập và ngập nặng. Khi mà hệ thống đê biển và những công trình cống đập khổng lồ hoàn thành, thì triều cường cũng sẽ xâm nhập gay gắt hơn.
Có điều lạ thường, chắc chắn là mùa nước nổi dòng chảy ngày càng yếu hơn chớ không xiết như hồi xưa, nhưng sao sạt lở ngày càng nặng hơn và rộng khắp hơn.
Những nông dân cố cựu một đời gắn bó với mùa nước, dòng sông và cánh đồng, họ hiểu rất sâu mà có những điều cũng trở nên ngơ ngác, vì những thay đổi bất thường.
Chuyện nóng là biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta có phân chia rõ rệt là cái nào biến đổi có tính chất toàn cầu, cái nào biến đổi là do nội vùng, do từng địa phương.
Mà khi phân biệt rõ, sẽ thấy có những vấn đề toàn cầu nó đến chậm hơn những vấn đề nội tại bên trong, do chính chúng ta vô tình hoặc cố ý tạo nên.
Như kịch bản nước biển dâng có một, thì bản thân đồng bằng này tự sụt lún gấp nhiều lần. Cái này do đâu?
Tại sao những con đê vô cùng chắc chắn và có rất nhiều loại đê được ứng dụng nhưng giải pháp càng “cứng” thì sự phản hồi của sóng biển, triều cường càng mạnh hơn. Sạt lở đê vẫn xảy ra, triều cường vẫn xâm nhập sâu hơn.
Chưa kể, ngăn mặn cho toàn vùng rộng lớn, sẽ phá vỡ sự đa dạng nuôi trồng bên trong, bởi có nơi cần ngọt nhưng vẫn có nơi cần mặn.
Vấn đề là chúng ta ứng xử với nguồn nước như thế nào cho hợp lý, biến mọi nguồn nước đều trở thành lợi thế, chớ không phải cứ ngăn nguồn xâm nhập mặn. Giống như chúng ta đang “bao đê” ngăn một mùa nước nổi vậy.
Trong công cuộc khai thác của thực dân Pháp, rồi đến người Mỹ, họ biết cách nương theo dòng chảy xẻ những con kinh lớn vào các vùng lõi miền hạ, rồi từ đó đào hệ thống kinh xương cá phân lô thành những tiểu vùng, đến khi nào nước trong thì họ dừng lại.
Có nghĩa là nước phù sa không đến được thì thôi. Trong khi, ngay chính người đồng bằng, hồi thời hăng hái làm thủy lợi đã xẻ con kinh cắt ngang dòng chảy, đã vô tình biến nước nổi trở thành nước lũ tràn vô nhà, ôm đồ chạy không kịp.
Câu chuyện thượng nguồn Đồng Tháp Mười. Hay như vùng ven biển, có những miệng cống ngăn nước giữ ngọt, rốt cuộc, nước ngọt chẳng xài được, tù đọng, mà bà con cần nước mặn nuôi trồng thì cũng bó tay.
Cả đồng bằng có nhiều vấn đề chung cần tập trung giải quyết, cùng với đó, là những vấn đề cục bộ, địa phương, từ quy hoạch nuôi trồng, cho đến cách ứng xử với nguồn nước, làm cho nguồn nước đồng bằng như những “mạch máu tăng huyết áp, loạn nhịp”. Vậy thì sao “cơ thể” đồng bằng khỏe khoắn được.
Nói an ninh nguồn nước, là nói đến yếu tố bên trong lẫn bên ngoài; nhưng ngay những vấn đề nội vùng chúng ta cũng đang “mất an ninh” trầm trọng.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin