Chuyện cái bờ bao ở đồng bằng

11:09, 07/09/2022

Ngay từ hồi vác cây phảng vào phương Nam khai khẩn đất hoang, ông bà mình đã có sáng kiến làm bờ bao để cải tạo đất canh tác ruộng, rồi tới lập vườn. Nhưng cái bờ bao đồng bằng là dạng ngăn đắp giữ nước mở, linh hoạt theo từng thời vụ, con nước; hoàn toàn khác với hệ thống đê điều khép kín.

(VLO) Ngay từ hồi vác cây phảng vào phương Nam khai khẩn đất hoang, ông bà mình đã có sáng kiến làm bờ bao để cải tạo đất canh tác ruộng, rồi tới lập vườn. Nhưng cái bờ bao đồng bằng là dạng ngăn đắp giữ nước mở, linh hoạt theo từng thời vụ, con nước; hoàn toàn khác với hệ thống đê điều khép kín.

Trong giai đoạn phát triển xã hội hiện nay, không thể nói hoàn toàn theo lối xưa mà làm, nhưng cũng cần có một sự dung hòa, tận dụng kinh nghiệm tích lũy từ văn hóa lúa nước, văn minh miệt vườn xứ này, để tránh sự cực đoan trong vấn đề trị thủy.

Phải nói là văn hóa sông nước đã sinh ra một lớp ngôn ngữ đặc sệt miền Tây, mà cùng với sự “khai tử” một số hình thức canh tác cũ, tập quán cũ, thì dần dần lớp ngôn ngữ này cũng dần mất đi, cộng với đó là cũng do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nữa. Hễ nghe “lời ăn, tiếng nói” là biết người miệt nào rồi, cái sự phân biệt nó rõ ràng đến vậy, giờ thì lớp ngôn ngữ cũng dần vào quên lãng.

Giờ ngồi nghe nhắc chuyện bao ngạn, bờ bao, bể bờ câu, chuyện con sông, con rạch, khém cạn, khém sâu, chuyện con nước quây, nước son, nước chụp, nước giựt, nước nhảy…

Chuyện con nước đổi dòng rồi nhữn lớn, thì kêu con nước đứng, rồi trong tháng có đến… 9 con nước, phải biết nhìn nước chuyển màu, nghe hơi gió thổi lao xao để biết dưới sông có cá gì mà câu, mà lưới.

Bởi vậy mới có chuyện, mấy ông già nhiều khi thấy ngộ ngộ, khi con nước này mà tụi nhỏ vác cần cụ bị đi câu. Mần thinh hổng đặng mới thách rằng: “Bữa nay tụi bây câu dính con cá nào dìa để trên lưng tao mà nướng!”.

Té ra, chẳng phải “tay đó sát cá” gì đâu, mà là tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ mà hiểu được con nước, thuộc từng tập tính mỗi loài cá, để mà đánh bắt. Mần ruộng, lập vườn cũng vậy phải nương theo đất đai, nguồn nước để có cái mà ăn, không thôi đói nhăn răng.

Nhưng trong cái lớp ngôn ngữ của người miền Tây dành cho sông nước có chứa đựng sự gần gũi, trìu mến và một sự tôn trọng nghiêng về phía tâm linh, thờ cúng.

Cho nên, bắt đầu, kết thúc một vụ mùa, vụ cá đều cúng kiếng đất đai, bà cậu, hàm ẩn sự mang ơn cho nên chẳng bao giờ làm ăn kiểu chụp giựt, khai thác kiểu tận diệt. Vừa làm kiếm cái ăn, vừa biết chăm bồi để chừa lại cho mùa sau, cho năm sau, cho thế hệ sau.

Trở lại chuyện cái bờ bao, hồi đầu chỉ là những bờ mẫu giữ lại nước phù sa để cải tạo đất lung thành đất ruộng, dần rồi cái bờ bao ngăn nước để lập vườn. Sau mỗi năm lại sênh mương chăm bồi độ phì nhiêu trên lớp mặt, giữ vườn cây ăn trái tới mấy chục năm.

Vậy nên đất bền, nước tốt, ruộng vườn thụ hưởng sự điều tiết, hài hòa của thiên nhiên mà xanh tốt. Như thế, có khai thác đến mấy trăm năm môi trường vẫn bền vững, hàng trăm, hàng ngàn giống loài bản địa cứ thế mà sinh sôi nảy nở.

Trong sự phát triển quá nhanh, thì đôi lúc sự lựa chọn giữa “giữ gìn” hay “đánh đổi” quả là nan giải!

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh