Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động

05:08, 31/08/2022

Trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động (LĐ), người LĐ không còn đủ sức khỏe để đảm bảo yêu cầu công việc và có mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi. Để thông tin đến bạn đọc một số quy định liên quan vấn đề trên, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh.

(VLO) Trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động (LĐ), người LĐ không còn đủ sức khỏe để đảm bảo yêu cầu công việc và có mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi. Để thông tin đến bạn đọc một số quy định liên quan vấn đề trên, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh.

* Xin ông cho biết điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng LĐ?

- Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng LĐ, theo Điều 55 Luật BHXH, người LĐ (quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH) khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 54 của luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng LĐ. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 1 tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên.

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng LĐ từ 81% trở lên.

- Bị suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Người LĐ quy định tại điểm đ và điểm e, khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2, Điều 54 của luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên.

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

* Trường hợp bị suy giảm khả năng LĐ, người LĐ cần làm thủ tục gì để được nghỉ hưu trước tuổi?

Theo Điều 108 Luật BHXH, hồ sơ hưởng lương hưu đối với người LĐ đang tham gia BHXH bắt buộc gồm: sổ BHXH; quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng LĐ hưởng chế độ hưu trí; biên bản giám định mức suy giảm khả năng LĐ của hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật BHXH hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người LĐ quy định tại Điều 54 của luật này.

Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người LĐ đang tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia BHXH gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù gồm: Sổ BHXH; đơn đề nghị hưởng lương hưu; giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù; văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép; quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.

* Khi người LĐ nghỉ hưu trước tuổi thì mức lương hưu có bị giảm không, thưa ông?

Căn cứ khoản 3, Điều 56 Luật BHXH, mức lương hưu hàng tháng của người LĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này. Sau đó, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, còn trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

* Trân trọng cảm ơn ông!

P.TẤN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh