Cần giải pháp đồng bộ xử lý chất thải rắn đô thị

06:08, 31/08/2022

Thời gian qua, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt ở các đô thị (ĐT) tăng từ 10- 16 %/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt tại nhiều địa phương còn thấp, chủ yếu bằng các phương pháp chôn lấp, công nghệ lạc hậu… Do đó, cần giải pháp đồng bộ xử lý CTR ở ĐT.

Rác thải tại các đô thị Vĩnh Long được tăng cường thu gom, xử lý.
Rác thải tại các đô thị Vĩnh Long được tăng cường thu gom, xử lý.

(VLO) Thời gian qua, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt ở các đô thị (ĐT) tăng từ 10- 16 %/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt tại nhiều địa phương còn thấp, chủ yếu bằng các phương pháp chôn lấp, công nghệ lạc hậu… Do đó, cần giải pháp đồng bộ xử lý CTR ở ĐT.

CTR sinh hoạt ĐT chiếm 55%

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu vực ĐT trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh.

Mặc dù tỷ lệ thu gom tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức một bộ phận người dân chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTR sinh hoạt tại nhiều địa phương còn thấp.

CTR sinh hoạt sau khi thu gom, có 71% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (nhưng chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh), 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến compost, 13% được xử lý bằng cách đốt.

Nhìn chung, công nghệ sử dụng trong các phương pháp còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt.

Tại TP Vĩnh Long, theo Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, lượng rác thải sinh hoạt ở nội ô tăng trung bình 3- 4 %/năm.

Ông Phan Thanh Hiền- Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường ĐT cho biết, thời gian qua, công ty đã tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt ở TP Vĩnh Long. Khối lượng thu gom, xử lý bình quân khoảng 130 tấn/ngày (rác thải được thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung của tỉnh là bãi rác Hòa Phú để xử lý).

Theo ghi nhận của chúng tôi, việc thu gom rác, xử lý rác ở Vĩnh Long thời gian qua được các đơn vị tập trung thực hiện, góp phần đảm bảo mỹ quan môi trường.

Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc lấy rác theo giờ còn một số bất cập, rác chưa được phân loại tại nguồn, sau thu gom chủ yếu được chôn lấp tạm… Từ đó, đặt ra vấn đề cần có nhà máy xử lý rác hoàn chỉnh để tiến tới phân loại rác tại nguồn, xử lý rác đạt chuẩn.

Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Về lâu dài, cần giải pháp căn cơ, đồng bộ để xử lý chất thải rắn đô thị.
Về lâu dài, cần giải pháp căn cơ, đồng bộ để xử lý chất thải rắn đô thị.

Mới đây (ngày 25 và 26/8), Hiệp hội Môi trường ĐT và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải bảo đảm phát triển bền vững tại các ĐT Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thiền- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước- Môi trường Bình Dương, kiến nghị cần xây dựng khung giá cho xử lý rác, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ như ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế.

Bên cạnh, cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ việc xử lý rác, tạo thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh, cần khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác.

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTR sinh hoạt là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.

Việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.

Theo Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì mục tiêu đến năm 2025, 90% tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các ĐT được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tất cả các ĐT loại đặc biệt và loại I, 85% các ĐT còn lại có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình.

Theo các chuyên gia về môi trường, để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới, cần có hệ thống quản lý CTR hiện đại, công nghệ và kết cấu hạ tầng mới, đặc biệt phải có tài chính bền vững và mức thu phí chất thải hợp lý.

UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 14 ngày 19/5/2022 quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển CTR công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại. Đối với CTR công nghiệp thông thường phải xử lý, vận chuyển từ 19- 22 giờ đối với đường ĐT. Đối với chất thải nguy hại, vận chuyển từ 19 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau đối với đường ĐT.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh