Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Phải thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm"

03:08, 29/08/2022

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2022, phải cơ bản hoàn thành bốn dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 và yêu cầu những nhà thầu yếu kém sẽ bị xem xét không cho tham gia các dự án giai đoạn 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2022, phải cơ bản hoàn thành bốn dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 và yêu cầu những nhà thầu yếu kém sẽ bị xem xét không cho tham gia các dự án giai đoạn 2.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA, nhà thầu vượt qua mọi khó khăn, đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam về đích trong năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA, nhà thầu vượt qua mọi khó khăn, đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam về đích trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ GTVT phải cơ bản hoàn thành bốn dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đồng thời triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, khởi công các gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).

Nhiều gói thầu vẫn bị chậm tiến độ

Tại cuộc họp trực tuyến thúc tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với các đơn vị trực thuộc mới đây, theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, cơ quan TƯ (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%) nhưng chậm so với kế hoạch các chủ đầu đã đăng ký khoảng 1.124 tỷ đồng và so với cùng kỳ năm 2021 (52%).

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thừa nhận, khối lượng giải ngân trong tháng 8/2022 tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn chậm giải ngân hơn 200 tỷ xuất phát một phần từ nguyên nhân chủ quan trong quá trình triển khai hiện trường và sự chủ quan từ chính cán bộ ban QLDA phụ trách dự án.

“Hiệu quả giải ngân bị ảnh hưởng một phần khác là do trong tháng 7 và tháng 8 thời gian qua, các nhà thầu huy động cả lực lượng làm công tác nội nghiệp ứng trực tại hiện trường, công tác dự toán bổ sung điều chỉnh bị chậm”, ông Quý nói.

 Hầm đường bộ Dốc Sạn nằm trên Dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được thông hầm kỹ thuật, vượt kế hoạch hơn 3 tháng.
Hầm đường bộ Dốc Sạn nằm trên Dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được thông hầm kỹ thuật, vượt kế hoạch hơn 3 tháng.

Đối với cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết, đang khẩn trương bù tiến độ để "cán đích" cuối năm nay.

Tổng sản lượng xây lắp của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng gần 3.000 tỷ đồng, chậm 0,62% so với kế hoạch. Dù được cải thiện hơn so với cuối năm 2021 nhưng vẫn chậm tiến độ ở cả 4 gói thầu.

Giải thích nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 7, việc các gói thầu chậm tiến độ ngoài một số yếu tố khách quan như biến động giá vật liệu, thiếu nguồn đất đắp…Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn thiếu đất đắp, hiện nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác trong tháng 7 này.

“Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Bộ GTVT đặt mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2022. Ban Quản lý dự án 7 đã thay thế lãnh đạo ban phụ trách, giám đốc điều hành dự án, bổ sung thêm nhân sự trực tiếp quản lý dự án, bố trí cán bộ các phòng chức năng và thường trực ở công trường giải quyết các vướng mắc, phát sinh kịp thời. Các nhà thầu như Tổng công ty Thăng Long, Cienco 8…đứng trước nguy cơ phải cắt chuyển khối lượng nếu chậm trễ kéo dài...”, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết.

Dứt điểm phải hoàn thành trong năm 2022, không viện lý do để chậm trễ

Sau khi nghe báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tỏ sự không bằng lòng với một số ban QLDA để xảy ra tình trạng chậm giải ngân tại các dự án trọng điểm.

 Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA sát sao hiện trường, kiên quyết loại bỏ nhà thầu yếu để đảm bảo tiến độ dự án và kế hoạch giải ngân đã đăng ký.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA sát sao hiện trường, kiên quyết loại bỏ nhà thầu yếu để đảm bảo tiến độ dự án và kế hoạch giải ngân đã đăng ký.

Chỉ đạo chung công tác giải ngân, Tư lệnh ngành GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA phải quyết liệt hơn nữa. “Dự án vướng ở đâu phải lăn xả vào tìm cách tháo gỡ ở đó, tuyệt đối không đổ thừa cho hoàn cảnh”.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu các Ban quản lý dự án giải quyết dứt điểm các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Với bốn dự án phải hoàn thành trong năm nay gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu giám đốc các BQL dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực, các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để quyết tâm hoàn thành trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Các dự án phải cán đích đúng hạn, ít nhất là phải hoàn thành công tác thảm nhựa, thông xe kỹ thuật. Đây là nhiệm vụ mang tính sống còn, các Ban QLDA phải tích cực vượt khó bằng mọi giá với tinh thần tiến độ phải đáp ứng, chất lượng phải đảm bảo.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một lần đi thăm công trường cao tốc Bắc-Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một lần đi thăm công trường cao tốc Bắc-Nam.

Các nhà thầu yếu kém phải kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của hợp đồng và quy định pháp luật, đồng thời xem xét không cho tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và các dự án khác do Bộ GTVT quản lý đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của dự án…”, ông Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, các dự án đều phải lập lại tiến độ thi công chi tiết công việc cần thực hiện, xác định đường găng tiến độ để tập trung giải quyết. Phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm theo dõi, xử lý dứt điểm, bảo đảm hoàn thành các dự án đúng tiến độ.

Nhận định dự án Cam Lộ - La Sơn không thể tiếp tục lỡ hẹn về đích, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải đánh giá lại hiệu quả công tác thi công.

“Nhà thầu nào yếu kém phải thực hiện ngay việc chắt chuyển khối lượng. Dự án mà tiếp tục chậm trễ, lãnh đạo Ban phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với 6 dự án thành phần còn lại, các Ban QLDA được yêu cầu phải sát sao, yêu cầu nhà thầu/nhà đầu tư bám sát kế hoạch, đặc biệt là dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, nếu không tìm cách tháo gỡ để giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhiệm vụ sẽ càng nặng nề hơn.

“Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các ban QLDA cũng cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, mục tiêu cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022 sẽ xét thầu xây lắp để có thể khởi công toàn bộ vào cuối tháng 12.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện, các đơn vị liên quan cũng phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, phân khai toàn bộ 4.985 tỷ đồng cho các tỉnh và các ban để phối hợp GPMB”, Bộ trưởng chỉ đạo./.

Không để thiếu vật liệu xây dựng

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, vừa qua ngành đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại trong thời gian tới là rất lớn. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị ngoài nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án thì tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Thể giao giám đốc các BQL dự án khẩn trương làm việc với địa phương liên quan để khảo sát, điều tra vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của dự án. Nếu để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu đất, cát như giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của giám đốc BQL dự án.

Theo Phi Long/VOV.VN

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh