Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp

06:08, 23/08/2022

Xây dựng nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (LĐCA), hay vận hành các phương tiện cơ giới máy xúc, cần cẩu; thả diều, vật bay hoặc ném, bắn các vật vào LĐCA… là những hoạt động có khả năng vi phạm hành lang an toàn LĐCA đã xảy ra gần đây.

Công trình xây dựng phải đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện cao áp.
Công trình xây dựng phải đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện cao áp.

(VLO) Xây dựng nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (LĐCA), hay vận hành các phương tiện cơ giới máy xúc, cần cẩu; thả diều, vật bay hoặc ném, bắn các vật vào LĐCA… là những hoạt động có khả năng vi phạm hành lang an toàn LĐCA đã xảy ra gần đây.

Đây là nguy cơ cao gây sự cố mất an toàn cho người và thiết bị công trình, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện liên tục và ổn định.

Nhiều tai nạn với LĐCA

Công ty Điện lực Vĩnh Long cho biết, hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn điện do thi công công trình dân dụng, lắp đặt thiết bị gia đình, dựng biển quảng cáo trong hành lang an toàn lưới điện… Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 3 vụ tai nạn do bất cẩn khi làm các công trình dân dụng.

Vào khoảng 10 giờ ngày 30/5, xảy ra tai nạn điện làm bị thương 1 người tại ấp Tích Lộc (Tích Thiện- Trà Ôn). Nguyên nhân do ông N.T.H. (nhân viên một cửa hàng điện máy) đến gắn máy lạnh cho khách hàng.

Ông H. cầm cây sắt dài khoảng 2m lên mái nhà của người mua máy lạnh để lắp đặt, khi đưa lên cao vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện trung thế 22kV nhánh rẽ Vĩnh Xuân- Tích Thiện tuyến 474 Bình Minh, ông H. bị điện trung thế phóng vào người và ngã xuống mái nhà.

Khoảng 15 giờ ngày 11/6, tại Khóm 5, phường Cái Vồn (TX Bình Minh), xảy ra vụ tai nạn điện làm bị thương 1 công nhân thi công bảng quảng cáo phía dưới hành lang LĐCA.

Nguyên nhân do anh L.P.H. (công nhân một công ty quảng cáo) trong quá trình lắp 4 bộ giàn giáo xếp lên nhau nằm dưới đường dây 22kV, khi đứng lên giàn giáo thì vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện với lưới điện 22kV, gây sự cố bật tuyến 473 Bình Minh.

Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 25/6, tại một công trình xây dựng ở xã Hòa Thạnh (Tam Bình) xảy ra tai nạn điện làm bị thương 1 tài xế xe cẩu đang vận hành xe cẩu thi công phía dưới đường dây điện 22kV.

Nguyên nhân trong quá trình cẩu giàn giáo từ trên xe cẩu xuống đất, anh L.V.L. (tài xế xe cẩu) không chọn vị trí thích hợp, đã bất cẩn để cần cẩu xe vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây 22kV, gây phóng điện pha A và pha B.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ an toàn LĐCA, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm hành lang an toàn lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng vận hành hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công ty Điện lực Vĩnh Long và các đơn vị quản lý vận hành LĐCA trên địa bàn tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn LĐCA.

Điện lực thường xuyên tổ chức kiểm tra hành lang an toàn LĐCA trong phạm vi quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn công trình điện để bảo vệ an toàn LĐCA; lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn điện, bảo vệ an toàn LĐCA…

Cần biết về hành lang an toàn LĐCA

Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì LĐCA có điện áp danh định từ 6kV trở lên và gồm có: đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm và trạm điện. LĐCA này phải có hành lang bảo vệ an toàn trong quá trình vận hành.

Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được thiết lập bởi chiều dài, chiều rộng và chiều cao của hành lang. Trong đó, chiều dài hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm biến áp này đến vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp.

Chiều rộng hành lang đường dây dẫn điện trên không được giới hạn bởi 2 mặt phẳng thẳng đứng về 2 phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh với cấp điện áp đến 22kV dây bọc là 1m, dây trần là 2m; cấp điện áp 35kV dây bọc là 1,5m, dây trần là 3m; cấp điện áp 110kV dây trần là 4m; cấp điện áp 220kV dây trần là 6m và cấp điện áp 500kV dây trần là 7m.

Chiều cao hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng với cấp điện áp đến 35kV là 2m, cấp điện áp 110kV là 3m, cấp điện áp 220kV là 4m và cấp điện áp 500kV là 6m.

Còn hành lang bảo vệ an toàn các loại cáp đi trên mặt đất hoặc treo trên không được giới hạn về các phía là 0,5m tính từ mặt ngoài của sợi cáp ngoài cùng.

Với đường cáp điện ngầm, chiều dài hành lang đường cáp điện ngầm được tính từ vị trí cáp ra khỏi ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm này đến vị trí vào ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm kế tiếp.

Chiều rộng hành lang đường điện cáp ngầm được giới hạn bởi mặt ngoài của mương cáp (đối với cáp đặt trong mương cáp).

Đối với cáp đặt trực tiếp trong đất hoặc trong nước thì hành lang được giới hạn bởi 2 mặt thẳng đứng cách mặt ngoài của vỏ cáp hoặc sợi cáp ngoài cùng về 2 phía của đường cáp điện ngầm như sau: Nếu cáp đặt trực tiếp trong đất, đối với đất ổn định thì khoảng cách về 2 phía là 1m, đối với đất không ổn định thì khoảng cách về 2 phía là 1,5m; nếu cáp đặt trong nước, nơi không có tàu thuyền qua lại thì khoảng cách về hai phía là 20m và nơi có tàu thuyền qua lại thì khoảng cách về 2 phía là 100m.

Về hành lang bảo vệ an toàn trạm điện đối với trạm điện không có tường rào bao quanh thì hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện có cấp điện áp đến 22kV là 2m, cấp điện áp 35kV là 3m; đối với trạm điện có tường hoặc hàng rào cố định bao quanh thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến điểm ngoài cùng của móng, kè bảo vệ tường hoặc hàng rào.

Một số hành vi thường gặp, bị xử phạt theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP

* Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi như: Vào trạm điện hoặc trèo lên cột điện khi không có nhiệm vụ; Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; Thả diều hoặc bất cứ vật gì gây sự cố lưới điện; Cản trở đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp tiến hành kiểm tra hoặc sửa chữa những hư hỏng của trạm điện, đường dây dẫn điện theo quy định.

* Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi như: Sử dụng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện vào mục đích khác khi chưa có thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện; Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật.

* Phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng đối với hành vi đào đất làm lún, nghiêng, đổ cột của đường dây dẫn điện…

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh