"Nóng" chất vấn về nhân lực ngành y tế

11:07, 14/07/2022

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 14/7, HĐND tỉnh đã dành thời gian để chất vấn lãnh đạo Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính xoay quanh công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế; vấn đề kinh phí cho hoạt động các hội cấp huyện, xã; tiến độ quy hoạch ngành du lịch…

(VLO) Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 14/7, HĐND tỉnh đã dành thời gian để chất vấn lãnh đạo Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính xoay quanh công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế; vấn đề kinh phí cho hoạt động các hội cấp huyện, xã; tiến độ quy hoạch ngành du lịch…

* Việc mở lớp đào tạo bác sĩ tại tỉnh: Khó!

 Đại biểu Lê Minh Thiện- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ- Trần Văn Hên với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nội vụ có giải pháp gì để đào tạo, thu hút bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thực hiện tốt Đề án nâng Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long lên hạng I?

Giám đốc Sở Nội vụ- Trần Văn Hên trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Nội vụ- Trần Văn Hên trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp  nhằm nâng cao số lượng, chất lượng  nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế như: thực hiện công tác tuyển dụng (tuyển dụng 162 viên chức năm 2021); cử đi đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (năm 2021: 83 người).

Ngành y tế sẽ tiếp tục tuyển dụng theo Đề án vị trí việc làm và tăng cường công tác đào tạo; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các trường  đại học trong khu vực  để hỗ trợ đào tạo.

 Giám đốc sở Tài chính Phạm Văn Thiện thông tin thêm, năm 2020 theo Nghị định 43 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện tự chủ đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn được ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng…

Đại biểu Lê Minh Thiện- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ
Đại biểu Lê Minh Thiện- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ

Đại biểu Nguyễn Đắc Phương tiếp tục chất vấn: Trong Đề án nâng Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long lên hạng I chúng ta có đề ra chương trình đào tạo bác sĩ tại tỉnh. Vậy theo tình hình thực tế, chúng ta có mở được lớp này hay không và chừng nào mở? Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng; “việc mở tại tỉnh thì hơi khó”.

Giám đốc Sở Y tế Văn Công Minh cũng nói rõ, theo Luật Giáo dục, đối với việc đào tạo dài hạn, đặc biệt đối với bậc đại học thì không được tuyển sinh đào tạo ngoài trường, chỉ những trường hợp đào tạo sau đại học trên cơ sở đảm bảo có cơ sở thực hành mới được đào tạo. Hiện chúng ta đã liên kết với Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh để mở những lớp đào tạo tại tỉnh sau đại học và Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cơ sở thực hành cho Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Thời gian tới, để đảm bảo đội ngũ cán bộ có trình độ sau ĐH, Vĩnh Long đang xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ để đào tạo các lớp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 tại tỉnh để chúng ta có thể vừa học, vừa làm. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho việc thiếu nhân lực của ngành y tế hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Đắc Phương- đơn vị TP Vĩnh Long chất vấn lãnh đạo ngành y tế
Đại biểu Nguyễn Đắc Phương- đơn vị TP Vĩnh Long chất vấn lãnh đạo ngành y tế

* Để doanh thu đạt 3% GRDP trở lên cần triển khai nhiều giải pháp, quan trọng là cơ cấu lại ngành, tạo sản phẩm mới, đặc thù,…

Đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu: Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đến 2025 ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Với vai trò là cơ quan quản lý, có giải pháp nào để triển khai thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết đề ra?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời: Giai đoạn 2015- 2019 du lịch Vĩnh Long tăng trưởng mạnh, lượt khách tăng bình quân qua các năm là 11,6%/năm và doanh thu tăng bình quân 25,7%/năm. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, du lịch bị tác động nghiêm trọng, lượt khách và doanh thu giảm sút.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tập trung phối hợp các ngành, các cấp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp phục hồi nhanh ngành du lịch, nhiều văn bản đã được ban hành và triển khai. Với sự chung tay của các cấp, các ngành, 6 tháng qua, du lịch đã phục hồi mạnh. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh ước đạt 410.000 lượt khách, đạt 68% chỉ tiêu kế hoạch năm và cao hơn tổng lượt khách của năm 2021. Trên đà tăng trưởng này ước đạt lượt khách năm nay sẽ quay trở lại mốc 900.000 đến 1 triệu lượt.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, doanh thu đạt 3% GRDP trở lên (đến 2025 đạt trên 1.200.000 lượt khách) thì thời gian tới cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là cơ cấu lại ngành, tạo sản phẩm mới, đặc thù,…cụ thể là phải làm nhanh việc xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù. Ngoài nền tản du lịch sinh thái sông nước của Vĩnh Long đã rất thành công trong thời gian qua, cần tập trung xây dựng và hoàn chỉnh 4 sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch homestay nghỉ dưỡng, tạo dựng thương hiệu đệ nhất homestay trên nền tản thương hiệu homestay đạt chuẩn ASEAN; du lịch văn hóa, trong đó hướng đến các lễ hội và di tích, điểm đến mang tính độc bản như: Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu, các di tích danh nhân; du lịch nông nghiệp, xây dựng trên và sắp tới gắn với giá trị độc đáo là Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL; du lịch làng nghề gắn với các làng nghề đặc trưng của tỉnh và trọng tâm là làng nghề gạch, gốm Mang Thít.

Song song đó cơ cấu lại thị trường để khai thác tìm nguồn khách du lịch mới; tổ chức lại không gian phát triển du lịch các địa phương trong tỉnh để khai thác tiềm năng, tính đặc thù của từng địa phương về sản phẩm, làng nghề, lễ hội; liên kết các tour tuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh, hình thành các tuyến chưa khai thác….

Về tiến độ cơ cấu lại ngành du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, sở đã xin chủ trương UBND tỉnh thực hiện và cùng đơn vị tư vấn đã triển khai từ đầu năm 2021; trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét thông qua vào quý IV/2021. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn cần lấy ý kiến thêm từ các chuyên gia và sở đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, đến nay đã hoàn thành, đang trình UBND tỉnh xem xét ban hành.

Xoay quanh công tác lập quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Di sản đương đại Mang Thít hiện nay đã đến đâu? khi nào trình cấp thẩm quyền phê duyệt? chính sách hỗ trợ người dân trong vùng giữ lò gạch? 

Đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ- đơn vị huyện Long Hồ chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ông Phan Văn Giàu cho biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hợp đồng với Công ty CP Tư vấn xây dựng Vĩnh Long lập quy hoạch nhiệm vụ chung xây dựng khu Di sản đương đại Mang Thít đến năm 2045, tổ chức lấy ý kiến thành viên ban chỉ đạo thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít đối với nhiệm vụ quy hoạch, tổng hợp, giải trình và chỉnh sửa nhiệm vụ quy hoạch theo góp ý và sở đã gửi tờ trình đề nghị Sở Xây dựng xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, thực hiện theo ý kiến kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị thường trực Tỉnh ủy ngày 14/3/2022 đã giao Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức thi ý tưởng kiến trúc quy hoạch bảo tồn di sản đương đại Mang Thít. Do đó, hiện nay sở cùng Tổ tư vấn đang phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương tổ chức cuộc họp giữa các ngành liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Xây dựng, UNESCO, đại diện ĐH Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh để xem có nên tổ chức thi ý tưởng hay không, sau đó sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai nhanh các bước tiếp theo của đề án và trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Về chính sách hỗ trợ người dân trong vùng giữ lò gạch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Sở Công thương xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án Di sản đương Đại Mang Thít, hiện Sở Tư pháp đang thẩm, dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua trong năm 2022.

* Các hội chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ hoạt động với UBND cùng cấp

Ông Phạm Minh Thiện- Giám đốc Sở Tài chính tỉnh trả lời chất vấn
Ông Phạm Minh Thiện- Giám đốc Sở Tài chính tỉnh trả lời chất vấn

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Phạm Minh Thiện: khi có Nghị quyết số 02 ngày 16/3/2020 của HĐND tỉnh kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các hội cấp huyện được giao nhiệm vụ giảm hơn 50%. Cụ thể năm 2022, huyện Trà Ôn còn 6 triệu đồng, huyện Bình Tân 8 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hội ở tất cả xã, thị trấn của huyện Bình Tân, huyện Vũng Liêm và một số xã ở các huyện khác không được hỗ trợ kinh phí hoạt động nên gặp khó khăn trong hoạt động.

          Ông Phạm Minh Thiện cho biết, qua trao đổi thông tin với Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, việc giao dự toán hoạt động cho các hội trên địa bàn huyện là giao theo kế hoạch đề xuất nhiệm vụ được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt giao nhiệm vụ, trong đó có dự toán kinh phí hoạt động theo quy định, huyện chỉ cắt giảm đối với 1 khoản kinh phí không phù hợp là thuê kế toán với số tiền là 400.000đ, phần còn lại là cấp đủ theo dự toán, còn các xã, thị trấn thì không giao kinh phí cụ thể mà thực chi theo công việc hoạt động và chỉ đảm bảo mọi hoạt động thường xuyên của hội như: điện, nước, văn phòng phẩm, công tác phí,...

Như vậy, việc huyện giao dự toán kinh phí hoạt động cho các hội là giao theo nhiệm vụ được UBND huyện giao phù hợp. Để giải quyết các nội dung theo ý kiến chất vấn của đại biểu, cũng như thực hiện giao nhiệm vụ và giao dự toán hoạt động cho các hội đúng theo quy định của Bộ Tài chính, cần phải có sự phối hợp, hướng dẫn của nhiều cơ quan, nhiều cấp để tổ chức thực hiện. Sở Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện- thị- thành quan tâm thực hiện việc giao nhiệm vụ cho các hội theo nhu cầu công việc và phân bổ dự toán để thực hiện nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với các hội cấp tỉnh, đề nghị các hội cấp tỉnh hỗ trợ hướng dẫn các hội cấp dưới xây dựng kế hoạch đề xuất nhiệm vụ, hoạt động của hội, xây dựng dự toán để trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định giao nhiệm vụ và giao dự toán thực hiện.

Đối với UBND các huyện- thị- thành quan tâm đến hoạt động của hội, giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí cho hội hoạt động theo yêu cầu công việc và khả năng cân đối ngân sách địa phương và đúng thông tư của Bộ Tài chính, quyết định của UBND tỉnh và công văn của Sở Tài chính.

Đối với các hội, phải chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ hoạt động với UBND cùng cấp phê duyệt, phối hợp cơ quan tài chính để xây dựng dự toán báo cáo UBND trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện.

Bài, ảnh; NHÓM PHÓNG VIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh