Những ngày đầu tháng 6 về với Long Hồ, thấy một khí thế mới rộn ràng, phấn khởi trên khắp mọi nẻo đường từ phố chợ đến nông thôn. Những câu chuyện mới cũ đan xen nhau, hòa lẫn niềm tự hào chào đón ngày kỷ niệm đặc biệt, cùng với lời khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh: "Phát huy truyền thống quê hương bác Hai Phạm Hùng, phấn đấu đưa huyện Long Hồ phát triển toàn diện".
Từ một góc ngã tư sông Long Hồ nhìn về Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long. |
(VLO) Những ngày đầu tháng 6 về với Long Hồ, thấy một khí thế mới rộn ràng, phấn khởi trên khắp mọi nẻo đường từ phố chợ đến nông thôn. Những câu chuyện mới cũ đan xen nhau, hòa lẫn niềm tự hào chào đón ngày kỷ niệm đặc biệt, cùng với lời khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh: “Phát huy truyền thống quê hương bác Hai Phạm Hùng, phấn đấu đưa huyện Long Hồ phát triển toàn diện”.
Dựng xây nông thôn mới
Trong không khí rộn ràng, náo nức những hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh bác Hai Phạm Hùng, chúng tôi được nghe những chia sẻ đầy phấn khởi của Bí thư- Chủ tịch UBND xã Long Phước Trương Lê Minh Thông: “Qua triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kinh tế của xã phát triển đáng kể, thể hiện qua sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM bền vững, hướng tới đạt xã NTM kiểu mẫu, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp để đầu tư các công trình phúc lợi và cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ”.
Cán đích NTM vào cuối năm 2014, thời điểm đó thu nhập bình quân đầu người của xã Long Phước đạt 26,23 triệu đồng/năm. Không bằng lòng với thành tích đã đạt được, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, đã chuyển đổi 46ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn trái, rau màu.
Nổi bật nhất là mô hình trồng hẹ trên đất ruộng tại ấp Phước Ngươn B, với hơn 10ha, lợi nhuận cao gấp 6 lần trồng lúa. Ngoài ra, còn có các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá, như: nuôi dê, trồng nấm bào ngư, sản xuất cây giống, trồng mít xen sầu riêng 30ha…
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tấn Thành ấp Phước Ngươn B với 4 công đất- luân canh 2 công lúa, 2 công màu.
Trong đó, cây màu chủ lực là hẹ, thỉnh thoảng anh gieo thêm cải, mướp, bầu. Anh Thành cho biết, hồi xưa gặt lúa thủ công kể như “lúa cũ đổi lúa mới” vì chi phí cao, nhưng nhờ chính quyền địa phương đầu tư thủy lợi khép kín, rồi cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch, nông dân khỏe hơn rất nhiều.
Hiện nay nhờ luân canh lúa- màu mà thu nhập ngày càng cải thiện, trồng lúa có rơm để đậy giúp cây màu giữ độ ẩm và đất lâu bị lèn. Bình quân mỗi công hẹ, anh Thành thu hoạch hơn 2 tấn, lãi khoảng 15 triệu đồng/công/vụ (6- 7 tháng).
Đến cuối tháng 5/2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Long Phước đạt 50,2 triệu đồng, tăng gần 24 triệu đồng và cao gấp 1,91 lần so thời điểm xã đạt chuẩn NTM; toàn xã chỉ còn 16 hộ nghèo (trong đó 10 hộ thuộc diện bảo trợ), chiếm 0,44% (quy định 2% trở xuống).
Như lời giải thích của ông Trường Lê Minh Thông: “Mục tiêu phấn đấu góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân xứng đáng với truyền thống quê hương của bác Hai Phạm Hùng”.
Phấn đấu đưa Long Hồ phát triển toàn diện
![]() |
Giao thông nông thôn mới Long Phước. |
Sự phát triển của xã Long Phước đã góp phần vào thành công chung của Long Hồ với nhiều thành quả tích cực trong xây dựng NTM, tạo đà cho sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội một cách
toàn diện.
Tuy nhiên trong năm 2021, cũng như các địa phương khác, huyện Long Hồ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sản xuất nông nghiệp chưa giải quyết được khâu liên kết tiêu thụ và thị trường bền vững.
Phát triển du lịch còn gặp khó khăn, sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu kém.
“Nhưng với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo huyện, các ngành và chính quyền địa phương các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nền kinh tế của huyện đã đạt được những thành tựu nhất định.
Nổi bật nhất là giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên là do huyện thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thực hiện được nhiều mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân”- Chủ tịch UBND huyện- Phan Thị Mỹ Hạnh, cho biết.
Đặc biệt, xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng, trong đó xã Long Phước tiếp tục giữ vững xã NTM nâng cao, xã Thạnh Quới đạt NTM, xã Lộc Hòa và Phú Đức đạt NTM nâng cao, đến nay huyện có 9/15 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, phát huy nguồn nội lực trong Nhân dân xây dựng cầu, đường, đèn đường, camera an ninh mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn.
Không chủ quan, hài lòng với những kết quả đạt được, mà sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực xây dựng huyện Long Hồ phát triển toàn diện cùng với 6 nhóm giải pháp ổn định và phát kinh tế- xã hội được quan tâm triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt.
Như một lời hứa, lời khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh: “Kế thừa truyền thống cách mạng, cán bộ, công chức và Nhân dân huyện Long Hồ tiếp tục nêu cao ý chí phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy tính năng động, sáng tạo, ra sức xây dựng quê hương Long Hồ ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng”.
Tính từ 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn huy động sức dân, Long Hồ đã triển khai hơn 100 dự án giao thông với tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 35,5 tỷ đồng; hiến gần 323.000m2 đất để làm đường (tương đương 42 tỷ đồng). Góp phần xây dựng hệ thống giao thông của huyện không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân, đồng thời làm thay đổi bộ mặt nông thôn. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin