
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, để thực hiện được mục tiêu xây dựng hạ tầng số, gắn kết đồng bộ phát triển chuyển đổi số của địa phương với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị
![]() |
Xây dựng đô thị thông minh nhằm phục vụ tiện ích cho đời sống. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH |
(VLO) Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, để thực hiện được mục tiêu xây dựng hạ tầng số, gắn kết đồng bộ phát triển chuyển đổi số của địa phương với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị (ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Kinh nghiệm và kiến nghị của địa phương
Ông Lê Quang Nam- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa qua, BCH Đảng bộ TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05 về chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định chuyển đổi số là chìa khóa để giải quyết các điểm nghẽn của thành phố.
Ông Lê Quang Nam cho biết thêm, sau thời điểm triển khai xây dựng thành phố thông minh (TM), thành phố đã đạt được một số thành công bước đầu và được các tổ chức quốc tế cũng như trong nước ghi nhận.
Quá trình triển khai, thành phố đã xác định cần có quyết tâm chính trị, sự cam kết của lãnh đạo thành phố thông qua các chủ trương cụ thể đến từng cơ quan và từng địa phương.
Bên cạnh, xác định mục tiêu hướng đến một hệ thống TM toàn diện. Đồng thời, cần hiểu được thế mạnh và hạn chế của địa phương. Từ kinh nghiệm thực tiễn, thành phố đề xuất một số kiến nghị như để triển khai phát triển ĐT TM hiệu quả, cần triển khai một số mô hình mới.
Do vậy, kiến nghị Trung ương sớm ban hành khung chính sách thử nghiệm và có kiểm soát về mặt không gian, thời gian để các địa phương thuận lợi trong triển khai các quy định.
Mặt khác, hiện nay việc triển khai dự án công nghệ số phục vụ phát triển ĐT TM áp dụng công nghệ mới, phức tạp. Các địa phương triển khai để giải quyết nhiều bài toán giống nhau nhưng cách làm và chi phí khác nhau.
Do đó, rất cần sự điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông. “Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm thẩm định, thẩm tra, gợi ý đóng góp một số dự án để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, tổ chức tập hợp và chia sẻ các kinh nghiệm, các dự án đã triển khai để các địa phương có cơ sở tham khảo, đảm bảo khai thác đầu tư có hiệu quả công nghệ số”- ông Lê Quang Nam nói.
Ông Trần Việt Trường- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển thành phố trở thành ĐT xanh, TM, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thành phố kiến nghị Trung ương ưu tiên tạo điều kiện cho TP Cần Thơ tiếp cận các dự án hợp tác quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng và ĐT, hợp tác với các ĐT, các tổ chức quốc tế tham gia hệ thống mạng lưới các ĐT xanh và TM ở khu vực và quốc tế.
Đồng thời, kiến nghị Trung ương thống nhất thực hiện quy hoạch ĐT trong cả nước theo hướng ĐT TM, hỗ trợ TP Cần Thơ phát triển trung tâm điều hành ĐT TM, bảo đảm hạ tầng và phần mềm nền tảng điều hành tiên tiến, hiện đại với cơ chế, chính sách, nguồn lực chất lượng phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố đạt hiệu quả cao…
Hoàn thiện chủ trương, chính sách chuyển đổi số
Tại Vĩnh Long, các ứng dụng trong thí điểm dịch vụ ĐT TM đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng; tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống sẵn có về trung tâm giám sát, điều hành dịch vụ ĐT TM như hệ thống họp TM, hệ thống chỉ tiêu kinh tế- xã hội, ngành, hệ thống giám sát camera, hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC),...
Ứng dụng công dân cung cấp thông tin chính quyền, điểm tin, một số tiện ích đối với tất cả các lĩnh vực, xử lý phản ánh của người dân (Smart Vĩnh Long) đã tiếp nhận hàng trăm ý kiến phản ánh (hầu hết đã được xử lý)…
Nhìn chung, các chức năng trong giai đoạn vận hành thí điểm đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả thực tế như: hệ thống họp TM, họp trực tuyến, hệ thống giám sát hành chính công, tiếp công dân… Qua đó, giúp tỉnh có kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 06, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, hoàn thiện chủ trương, chính sách chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ĐT hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT bền vững tại các địa phương.
Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, nghị định về chuyển đổi số.
Đồng thời, tổ chức phổ biến quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết, tính cấp thiết của chuyển đổi số. Xây dựng và chuẩn hóa các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về ĐT TM, gắn với phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh, nâng cao chất lượng quy hoạch ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển ĐT bền vững dựa trên nền tảng số, xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch phát triển ĐT, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng dự báo về biến động dân cư, dự báo về sự phát triển của ĐT để xây dựng quy hoạch phù hợp với phát triển trong tương lai.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số gắn liền với việc phát triển hệ thống hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các địa phương trong xây dựng, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch ĐT, quy hoạch của khu vực và từng địa phương, đảm bảo có phương án quản lý thúc đẩy phát triển hạ tầng số.
Trong đó, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, chuẩn bị cho việc triển khai mạng di động 5G, triển khai các giải pháp để mọi gia đình có kết nối internet cáp quang, phổ cập điện thoại di động TM cho mọi người dân”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đề ra một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại ĐT, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại TM; tỷ lệ dân số trưởng thành tại ĐT có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại ĐT có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. |
SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin