Lắng nghe để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân

05:06, 01/06/2022

Với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân (ND), phục hồi, phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn (NT) bền vững", hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với ND Việt Nam được tổ chức lần thứ tư vào sáng ngày 29/5/2022. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại hội nghị đối thoại đã góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển NN, NT bền vững, nâng cao đời sống ND.

 

Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam.
Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam.

(VLO) Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân (ND), phục hồi, phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn (NT) bền vững”, hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với ND Việt Nam được tổ chức lần thứ tư vào sáng ngày 29/5/2022. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại hội nghị đối thoại đã góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển NN, NT bền vững, nâng cao đời sống ND.

Thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn cất cánh

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với ND Việt Nam được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Sơn La và kết nối với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của hơn 3.400 đại biểu.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược NN, NT, ND. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của NN, NT, ND trong tiến trình phát triển đất nước. Đóng góp của lĩnh vực NN, NT và của ND vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Phúc- ND sản xuất giỏi xã Bình Phước (Mang Thít)

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với ND, được nghe Thủ tướng và các bộ ngành trả lời về các giải pháp nói về quyền lợi, cuộc sống của ND. Tôi tin tưởng rằng đất nước sẽ có nhiều đổi mới. Hiện, ND là người trực tiếp làm ra sản phẩm NN và đang hướng tới sản xuất sạch. Tôi mong muốn Chính phủ, Nhà nước và các cấp Hội ND có những định hướng, đề án... thiết lập lại đầu vào, đầu ra, giá cả nông sản, xây dựng thương hiệu để ND an tâm sản xuất và thiết lập quan hệ sản xuất.

Đây là sự kiện được mong chờ nhất trong năm của ND Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các bộ ngành trực tiếp đối thoại với ND để tìm ra đáp án và động lực thúc đẩy NN, NT cất cánh.

Trước thời điểm diễn ra hội nghị, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi về những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng. Tại tỉnh Vĩnh Long, anh Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) NN Thuận Thới (huyện Trà Ôn), người vinh dự 2 lần tham dự hội nghị đối thoại, đã gửi gắm 2 vấn đề trăn trở về nhân lực trẻ phục vụ HTX và vốn sản xuất.

Anh Thảo cho rằng: Trong tay các bạn trẻ có tri thức, có tư liệu sản xuất, nhưng các bạn chưa hiểu rõ, chưa tha thiết với kinh tế tập thể, HTX. Hiện, chưa có trường đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, HTX. Vì vậy, anh đã hỏi về “định hướng tới Thủ tướng có chính sách gì để hỗ trợ nhân lực cho HTX nông nghiệp hoặc chỉ đạo các ngành đào tạo về HTX nông nghiệp?”.

Bên cạnh, anh Thảo cũng băn khoăn về vấn đề đa số HTX NN đều thiếu vốn lưu động, vốn đầu tư sản xuất. Hiện đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn nhưng các HTX rất khó tiếp cận do vướng thủ tục vay vốn. Anh cũng đặt câu hỏi: “Thủ tướng có những chính sách gì mới để hỗ trợ HTX NN phát triển trong thời gian tới?”.

Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Lý Văn Bon- ND làm nghề nuôi cá lồng bè trên sông Hậu với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm, đã đặt vấn đề: Mấy năm gần đây, do biến đổi khí hậu do xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, lượng nước về ĐBSCL có nhiều biến động, đã tác động đến nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân, xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp hơn.

Ông hỏi: “Thủ tướng, các bộ ngành sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ, đảm bảo sinh kế của người dân trước những tác động của biến đổi khí hậu?; Chính phủ đã có chủ trương nhất quán, đó là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường ở NT hiện nay đã đến mức báo động. Thủ tướng sẽ có giải pháp gì để xử lý và khắc phục thực trạng này?”.

Hỗ trợ nông dân một cách toàn diện, thực chất và hiệu quả

Bên cạnh tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề cần phản ánh của đại diện ND cả nước với Chính phủ, hội nghị năm nay có điểm mới là dành thời lượng đáng kể để các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực NN bày tỏ, đề xuất các vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Phát biểu trước Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH- Thái Hương- một doanh nhân Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cho rằng: “Tôi đến dự hội nghị để nghe ND trình bày, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình và bản thân đến đây để học hỏi.

Không ai giỏi bằng người ND khi làm NN. Nhưng để NN trở thành hàng hóa thì rõ ràng rất cần những chính sách hỗ trợ, tiếp sức từng ngành nghề, từng thời điểm. 4 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Tôi nghĩ cùng với nguồn lực về cây ăn trái chúng ta cần đánh giá lại nguồn lực về NN. Để phát huy các nguồn lực này, rất cần chính sách để khích lệ cho khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là đề án phát triển thương hiệu nông sản”.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long.

Đáp lại những chia sẻ tâm huyết của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để ND yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của ND để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển NN NT bền vững giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ba cuộc đối thoại của Thủ tướng với ND trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho ND, NN, NT nói riêng.

Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc.

Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng ta còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con ND, nhất là những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, vấn đề bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ ND một cách toàn diện, thực chất và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và chủ trương đường lối của Đảng.

Đồng thời, tiếp thu đầy đủ, tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho NN, NT, ND, để đời sống của bà con ND ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng.

Kết luận hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 9 nhóm vấn đề lớn cần quan tâm, giải quyết cho ND. Trong đó, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của ND, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa ND” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ NN; phát triển NN hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái NN, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong NN; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế…

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh