Chủ động phòng ngừa thay vì bị động ứng phó

05:06, 28/06/2022

Bên cạnh kết hợp hoạt động công trình và phi công trình, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) từng bước được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được chú trọng.

 

 

Người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa thay vì bị động ứng phó thiên tai.
Người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa thay vì bị động ứng phó thiên tai.

(VLO) Bên cạnh kết hợp hoạt động công trình và phi công trình, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) từng bước được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được chú trọng.

Thiên tai ngày càng phức tạp

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Thiên tai và các hiện tượng khí hậu đã và đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và trở thành mối lo ngại của toàn cầu hiện nay.

Thiên tai không theo quy luật đang có xu hướng mạnh hơn cả về tần suất, cường độ. “Những năm gần đây, thiên tai trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, với những yếu tố cực đoan khó lường, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, đặc biệt với tốc độ phát triển của dân sinh, kinh tế, xã hội.

Do vậy, vấn đề cần được bảo vệ an toàn trước thiên tai ngày càng cấp thiết.”- ông Lưu Nhuận cho biết thêm.

Cũng theo ông Lưu Nhuận, công tác PCTT có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, góp phần gìn giữ thành quả kinh tế- xã hội cũng như phát triển bền vững đất nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Công tác PCTT ở nước ta được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, vì vậy vai trò, trách nhiệm của lực lượng làm công tác này là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Hữu Nhân- Giảng viên quản lý rủi ro thiên tai thảm họa cấp Trung ương và đánh giá rủi ro thiên tai (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết: Đối với các địa phương không nằm trong vùng thiên tai vẫn còn tư tưởng chủ quan với các loại hình thiên tai.

Do đó, khi thiên tai xảy ra thì một bộ phận người dân còn lúng túng, thiệt hại nhiều. Vì vậy, bên cạnh công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, các ngành, các cấp, còn phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến với các tầng lớp người dân, đặc biệt là ở các địa phương thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai khu vực ĐBSCL như: sạt lở, sụt lún đất, bão, lốc xoáy,…

Đồng thời, phải tăng cường công tác đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó của cộng đồng khi có thiên tai xảy ra.

Nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng

Theo ngành chức năng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình, trong đó các cộng đồng đang đối mặt với rủi ro thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng.

Điều này có nghĩa là người dân là trung tâm của toàn bộ quá trình ra quyết định và triển khai các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân cần được tham gia đầy đủ và cần được hỗ trợ để có đủ năng lực đánh giá các rủi ro, xác định các biện pháp và kế hoạch giảm thiểu rủi ro và thực hiện hành động.

Các biện pháp này có thể bao gồm các hoạt động giảm nhẹ và phòng ngừa trước khi thiên tai xảy ra cho đến các biện pháp ứng phó, phục hồi và thích ứng trong và sau thiên tai.

Tại Vĩnh Long, Đề án: “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua. Mới đây, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp cùng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, tổ chức lớp tập huấn PCTT nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản về lĩnh vực này, các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh cho đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn cơ sở và cán bộ phụ trách phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Khu công nghiệp Hòa Phú.

Tham gia buổi tập huấn, anh Phan Nhựt Hưng- Phó ngành phụ trách hệ thống an toàn Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú), cho hay: “Thông qua buổi tập huấn tôi được thông tin về các loại hình thiên tai, phổ biến các kiến thức về PCTT.

Qua đó, giúp tôi nắm được các phương pháp, kỹ năng xây dựng kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai để vận dụng vào công việc, góp phần giải quyết tình huống khi có xảy ra thiên tai hiệu quả hơn”.

* Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Nhân, ở Vĩnh Long, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về PCTT được đặc biệt quan tâm và chủ động thực hiện. Lực lượng xung kích cũng được hình thành đều khắp các xã- phường- thị trấn, kịp thời ứng phó. Điều này góp phần rất lớn hạn chế thiệt hại thiên tai trong thời gian gần đây.

* Để công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả, nhiều ý kiến đề xuất thời gian tới ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực dự báo, truyền tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ cập nhật liên tục, chính xác để người dân chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT tại từng địa phương, từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh