
Trong sự nghiệp 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam.
![]() |
Lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Long tận tụy, trách nhiệm trong công tác và phục vụ Nhân dân. |
(VLO) Trong sự nghiệp 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam.
Tư tưởng, tình cảm của bác Hai Phạm Hùng sẽ mãi được lực lượng công an khắc ghi, phấn đấu xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, “lá chắn thép” trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, xây dựng các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng chí Phạm Hùng với lực lượng công an
Quan điểm của đồng chí Phạm Hùng về rèn luyện lực lượng CAND như sau: “Người chiến sĩ CAND phải được rèn luyện tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có dũng khí đấu tranh kiên cường, phải biết chủ động phòng ngừa và chủ động tiến công địch, phải nhạy cảm về chính trị, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và đập tan bất cứ âm mưu và thủ đoạn nham hiểm nào của các loại kẻ thù”.
Do vậy, trong giai đoạn giữ các cương vị: Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (1945- 1946), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1946- 1951), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980- 1986), đồng chí Phạm Hùng luôn tâm niệm làm thế nào để xây dựng lực lượng CAND xứng đáng là công cụ sắc bén, tin cậy của Đảng, là con em yêu quý của Nhân dân.
Đặc biệt là trong giai đoạn lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng đã cùng tập thể phát động phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” trong Công an Nam Bộ. Năm 1951, “6 điều Bác Hồ dạy CAND” được in thành cuốn sổ tay làm tài liệu học tập thường xuyên, xây dựng bộ máy công an ngày càng vững mạnh, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.
Đến giai đoạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 92/CT- TW ngày 25/6/1980 “Về cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
Ngày 25/5/1983, đồng chí Phạm Hùng đã ký Chỉ thị số 04/CT-BNV về phát động trong toàn lực lượng CAND phong trào “Học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy”. Chỉ thị đã đưa phong trào sang bước ngoặt mới, không chỉ là những hoạt động thi đua theo đợt, ở đơn vị, địa phương mà trở thành phong trào có quy mô rộng lớn, diễn ra thường xuyên, liên tục.
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, liên tục phát động phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng lực lượng, đơn vị, gắn chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Và kể từ năm 1983 cho đến nay, Bộ Công an tiến hành tổng kết theo định kỳ 5 năm một lần nhằm đánh giá và ban hành các chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong thời gian tiếp theo.
Noi gương bác Hai Phạm Hùng
Tinh thần làm việc, tận tụy vì dân, đặc biệt là trong công tác xây dựng lực lượng CAND của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng để biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND rèn luyện, học tập và noi theo.
Là một sĩ quan trẻ trong lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Long, dù chỉ được tìm hiểu về bác Hai Phạm Hùng qua sách báo, những câu chuyện kể nhưng đối với Trung úy Phạm Bá Toàn (Phòng Tham mưu- Công an tỉnh) đó cũng là cách thiết thực để “hiểu về con người Bác, suy nghĩ để học tập, càng phải phát huy tinh thần đạo đức cách mạng ngày một tốt hơn”.
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh Đoàn phát động cuộc thi cảm nhận quyển sách tôi yêu chủ đề “Phạm Hùng- Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng”, Trung úy Phạm Bá Toàn đã hăng hái tham gia và vinh dự đạt giải ba.
“Tôi chọn quyển Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long- bởi có vô vàn quyển sách viết về các vị lãnh đạo, những người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhưng sách viết về đồng chí Phạm Hùng lại mang cho tôi sự bồi hồi, xúc động.
Là người dân Việt Nam, mà đặc biệt là người con Vĩnh Long- quê hương của bác Hai Phạm Hùng, tôi lại càng thấm thía hơn những giá trị đạo đức, tinh thần cách mạng mà bác Hai đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”- Trung úy Phạm Bá Toàn chia sẻ.
Đối với anh, quyển sách “mang đến cả biển kiến thức cho những ai đã bị trói chân trong thế giới nhỏ bé”. Bởi học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn.
Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy trong lịch sử.
“Học tập bác Hai Phạm Hùng, nên trong công tác Đoàn, tôi càng hăng hái hơn trong các hoạt động, phong trào, nâng cao kỹ năng của bản thân.
Từ đó có thể đồng hành, dẫn dắt, phát huy vai trò của lớp thanh niên hiện nay, thể hiện trách nhiệm nêu gương, đóng vai trò tiên phong trong những công việc khó, gian khổ, cũng như tích cực học tập, rèn luyện bản thân”.
Vinh dự được mang trên mình quân phục CAND, Đại úy Bùi Xuân Đào (Công an xã Lộc Hòa- Long Hồ) càng tự hào hơn khi được công tác trên quê hương của bác Hai Phạm Hùng.
Đại úy Bùi Xuân Đào tự nhận thấy “học được những phẩm chất của bác Hai, bản thân có thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày”, từ đó áp dụng vào công tác chuyên môn, làm việc có hiệu quả, có chất lượng, xây dựng bản thân trở thành một người trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn trong xây dựng phương án làm việc, học tập tốt, đấu tranh với các quan điểm sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích chung tập thể.
Do vậy, Đại úy Bùi Xuân Đào quan niệm: “Trong tiếp xúc với dân, tôi luôn nhã nhặn, tận tình hướng dẫn. Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, tôi kiên quyết đấu tranh đến cùng với các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm nhằm giữ bình yên cho bà con an tâm lao động, sản xuất”.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin