Đề phòng các yếu tố bất thường!

06:06, 29/06/2022

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina (pha lạnh) từ tháng 9/2020 đến nay và được dự báo có khả năng tiếp tục đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55- 65%. Với ảnh hưởng của hiện tượng này, cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng (trong đó có Vĩnh Long) cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường.

 

Lượng mưa trong tháng 4 và 5 ở Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm.
Lượng mưa trong tháng 4 và 5 ở Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm.

(VLO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina (pha lạnh) từ tháng 9/2020 đến nay và được dự báo có khả năng tiếp tục đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55- 65%.

Với ảnh hưởng của hiện tượng này, cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng (trong đó có Vĩnh Long) cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường.

Những năm có hiện tượng La Nina

Theo các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, những năm xuất hiện hiện tượng La Nina thường gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan đáng sợ trên toàn cầu như: lũ lụt vào mùa đông, hạn hán vào mùa hè... Ngoài ra, nó còn gây ra hàng loạt cơn bão và siêu bão đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Đối với nước ta, những năm có La Nina thường ghi nhận bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển.

Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) ở khu vực miền Trung và phía Nam, đáng lưu ý khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn.

Bên cạnh, dòng chảy năm của các sông ngòi ở Việt Nam thường lớn hơn TBNN. Tuy nhiên, dòng chảy mùa lũ nhỏ hơn dòng chảy TBNN và ngược lại dòng chảy mùa cạn lớn hơn trị số TBNN. Ảnh hưởng của La Nina làm giảm độ mặn của nước biển ở vùng ven biển và hải đảo nước ta.

Hiện tượng La Nina ảnh hưởng đến nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng gần đây nhất là vào năm 2000- 2002, 2006 và 2010- 2011. La Nina năm 2000- 2002 gây 3 năm lũ lớn liên tiếp từ năm 2000- 2022 và La Nina năm 2010- 2011 gây lũ lớn năm 2011 ở ĐBSCL.

Riêng năm 2006 là năm có nhiều cơn bão nhất với 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 9 cơn bão rất mạnh đổ bộ vào Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta với cấp gió mạnh trên cấp 12, đặc biệt là 3 cơn bão mạnh liên tiếp đổ bộ vào cuối năm đó: bão số 1 (bão Chan Chu), bão số 6 (Xangsane) vào tháng 9 tàn phá miền Trung, bão số 9 (Durian) vào tháng 12 tàn phá Nam Trung Bộ và miền Tây Nam Bộ vào tháng 12.

Đã xuất hiện những yếu tố bất thường

Số liệu quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy, đối với khu vực châu thổ sông Mekong và khu vực Nam Bộ, từ đầu năm đến nay, yếu tố bất thường đã xảy ra khi mưa gia tăng về diện và lượng, lượng nước thượng nguồn về
nhiều hơn.

Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 4 vừa qua, tổng lượng mưa ở Nam Bộ cao hơn từ 4- 6 lần, có một số nơi có tổng lượng mưa và mưa ngày vượt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Sang đến nửa đầu tháng 5, tổng lượng mưa ở khu vực này phổ biển cao hơn từ 30- 90%, có nơi cao hơn gấp 2- 4 lần so với TBNN cùng thời kỳ.

Nửa đầu tháng 6/2022, ở phía Nam, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên ở khu vực Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to.

Ở Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm, từ đầu tháng 4, sớm hơn so với TBNN 15 ngày.

Về nguồn nước, theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, mực nước trung, thượng lưu sông Mekong có xu thế lên dần và ở mức cao hơn TBNN (2012-2021) cùng kỳ từ 0,1- 1,3m.

Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông này tại trạm Kratie (Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN (2012- 2021) cùng kỳ khoảng 25%. Trong tháng 5, tổng lượng dòng chảy qua Stung Treng (Campuchia) lên tới 22,8 tỷ m3, được xem là cao thứ 2 trong 112 năm và lớn hơn nhiều so với bình quân trước đây là 9,4 tỷ m3.

Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất làm cho mặn trong mùa khô năm 2021- 2022 vừa qua không xâm nhập sâu. Độ mặn không cao hơn các mùa khô những năm trước đây ở vùng ĐBSCL.

Điều này có thể góp phần làm gia tăng lượng dòng chảy và mực nước sông ngòi trong mùa mưa, lũ tới. Đây cũng là yếu tố quan trọng đóng góp đến khả năng xảy ra mực nước gia tăng bất thường phía hạ lưu.

Thời tiết, khí tượng thủy văn, thiên tai trong tỉnh ở những tháng cuối năm 2022 còn diễn biến phức tạp, là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, bão, vì vậy các ngành, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường xảy ra.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh