Đất thiêng sinh những hiền tài…

05:06, 09/06/2022

Đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học tổng kết cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của đồng chí Phạm Hùng; lớp hậu thế chỉ mong tiếp cận những tư liệu lịch sử bằng lòng ngưỡng vọng.

 

Dòng sông Ông Me chảy qua nhà bác Hai Phạm Hùng.
Dòng sông Ông Me chảy qua nhà bác Hai Phạm Hùng.

(VLO) Đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học tổng kết cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của đồng chí Phạm Hùng; lớp hậu thế chỉ mong tiếp cận những tư liệu lịch sử bằng lòng ngưỡng vọng.

Và góp nhặt những câu chuyện nhỏ để có góc nhìn gần gũi hơn về nhân cách lớn, để học tập, để thêm tự hào về người con ưu tú của vùng đất Long Hồ- Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu chuyện lịch sử bên dòng sông Ông Me

Những ngày đầu tháng 6, lớp thế hệ trẻ, cháu con cùng tề tựu về bên dòng sông lịch sử, những tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ những mái dầm đua nhau khuấy động dòng nước vốn bình lặng thường ngày, đêm đêm tiếng đờn cò, hòa nhịp ghi ta phím lõm nâng tiếng hát ngọt lịm những điệu thức phương Nam trôi miên man qua những bến sông…

Những khúc hát, lời ca về tình đất, tình người, tình dân yêu quý, tự hào về bác Hai Phạm Hùng.

Tất cả đang hướng về một ngày kỷ niệm đặc biệt của người dân Long Hồ, người dân Vĩnh Long và cả nước.

Câu chuyện hồi 110 năm về trước ngày này (11/6/1912), cậu bé Phạm Văn Thiện đã được sinh ra, trong mái nhà soi bóng xuống dòng sông Ông Me, thuộc ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Con người đó sau này đã trở thành nhà lãnh đạo của đất nước- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Nhìn dòng sông nhỏ bắt đầu từ vàm Ông Me, lấy nguồn nước từ sông Long Hồ xuôi vào những cánh đồng, xóm rẫy chuyên canh của xã Long Phước, rồi chia đôi ngả chảy về các xã Phước Hậu, Phú Đức.

Cùng với dòng sông chảy qua ngã tư Long Hồ, đây chính là hai lối đi ghi dấu chân lịch sử những lưu dân xứ Quảng đầu tiên tìm về vùng đất Long Hồ lập làng Kỳ Hà, trước cả địa danh Long Hồ dinh, trước cả chủ trương của chính quyền chúa Nguyễn hồi năm 1689.

Vùng đất mà từ 290 năm trước đã trở thành trung tâm của buổi đầu mở cõi và định hình cho cá tính, “chất riêng” của người Nam Bộ.

Đó là tính năng động, sáng tạo trên vùng đất mới, hào phóng, bộc trực, thẳng thắn mà đôn hậu, nghĩa tình, đặc biệt là tình yêu quê hương xứ sở.

Vốn trải qua nhiều sóng gió, hiểm nguy, đầy bất trắc, đã góp phần tôi luyện nên những khí phách can trường, gan góc, không chịu lùi bước trước những trở ngại của thiên nhiên, cũng như không chịu luồn cúi, khuất phục trước những bất công, cường quyền, áp bức.

Dân gian Nam Bộ xưa có câu ca rằng: “Trời sinh cây cứng, lá dai. Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”.

Sinh ra, lớn lên và bao lần tắm gội bên dòng sông này, trên vùng đất khởi đầu thời mở cõi, văn hóa Nam Bộ đã ảnh hưởng sâu sắc đến đồng chí Phạm Hùng. 16 tuổi đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh.

Từ đây, bắt đầu xuyên suốt 60 năm là sự cống hiến trọn vẹn không ngơi nghỉ cho lý tưởng, sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ, xây dựng đất nước của đồng chí Phạm Hùng.

Cũng từ đây, tính cách con người Nam Bộ được bộc lộ, phát huy mạnh mẽ, đồng thời cũng được trui rèn mà trưởng thành, mà lớn dần lên một nhân cách lớn, để mãi mãi sau này quê hương Vĩnh Long tự hào về một người con ưu tú, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Càng hiểu, càng thêm ngưỡng vọng, tự hào!

Với thế hệ trẻ dù không được tiếp cận, dù chưa một lần gặp mặt đồng chí Phạm Hùng hay cách gọi trìu mến là “bác Hai Phạm Hùng”, nhưng qua những câu chuyện kể, những tư liệu lịch sử, những phát hiện mới đúc kết qua các hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu, nếu càng đọc, càng đào sâu suy nghĩ, sẽ càng hiểu, càng thêm ngưỡng vọng, tự hào!

Những câu chuyện cứ thỉnh thoảng giở lại đọc, lại thấy sáng thêm, lại càng thích thú và nhận thấy cuộc đời của bác Hai như một pho sách quý, càng đọc càng đầy thêm sự mến yêu, mà chưa hề muốn gấp lại trang sách sau cùng.

Trong buổi sáng đầu tháng 6, rất đông bạn trẻ tập hợp trước sân nhà bác Hai Phạm Hùng, để chuẩn bị cuộc đua xuồng tam bản- cũng như bao lần đến đây, lòng tôi luôn tự hỏi và tự hình dung xem hồi xưa bác Hai đã tập võ ở đâu trên khoảng sân trước nhà?

Câu chuyện tập võ chỉ để rèn luyện thể chất, tinh thần, cũng là phòng thân khi bất trắc, sau này lại trở thành một câu chuyện lịch sử đẹp, vô cùng lý thú.

Trong tập sách: “Phạm Hùng- Người cộng sản kiên trung- Nhà lãnh đạo có uy tín lớn”, có ghi lời của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại với vợ: “Khi còn ở tù Côn Đảo, chính anh Hùng là người đỡ đòn cho anh và bác Tôn.

Mỗi lần ra ăn cơm, tụi cai ngục cứ quất xối xả vào anh em tù, anh đưa lưng cho bác Tôn luồn qua. Tình cảm của anh đối với đồng chí là tất cả tấm lòng và sự sống chứ không phải bằng lời”.

Còn đối với những tù thường phạm, đồng chí Phạm Hùng đã bằng tài năng và đức độ của mình mà giáo dục và cảm hóa họ.

Những người vốn xuất thân từ giới hảo hán, giang hồ, nhưng trước lời khuyên nhủ chân tình, họ thể hiện lòng cảm phục “anh Hai Hùng, xem anh như một đấng trượng phu, thể hiện đậm nét truyền thống trọng nghĩa khinh tài của người dân Nam Bộ”.

Đồng chí Phạm Hùng thu phục cả những cai ngục người Tây, thể hiện rõ một con người trí dũng song toàn.

Chỉ là một góc nhìn rất nhỏ, góp nhặt vài mẩu chuyện nhỏ cũng đủ để làm bài học lớn cho những lớp người đi sau, đối với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của đồng chí Phạm Hùng.

Ông Trương Công Giang- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã đúc kết ngắn gọn cuộc đời bác Hai Phạm Hùng bằng giọng đầy xúc động, ngưỡng mộ: “Trải qua 76 mùa xuân, 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 15 năm bị địch bắt tù đày, sống trong địa ngục trần gian Côn Đảo, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; 13 năm trong thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước, bác Hai Phạm Hùng không một phút nghỉ ngơi.

Với bản lĩnh năng động, sáng suốt, cẩn trọng, kinh nghiệm dày dạn, quyết đoán, một người phú quý không thể quyến rũ, bần hàn không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục, một sức sống phi thường, suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đất thiêng sinh những hiền tài và những con người kiệt xuất đã trở lại góp công, góp sức làm rạng danh cho xứ sở quê hương. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng là minh chứng vô cùng sinh động cho điều đó.

“Chính từ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một người con kiên trung của quê hương- nhà cách mạng Phạm Hùng.

Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long”- (trích từ đánh giá tại hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng).

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh