
Sau hơn 10 năm kể từ khi xảy ra lũ lớn năm 2011 ở ĐBSCL, khí hậu, thiên tai ở Vĩnh Long tiếp tục có nhiều thay đổi, theo xu hướng ngày càng "khó khăn hơn". Nhiều giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
![]() |
Sạt lở bờ sông có sức phá hoại lớn đối với nhiều công trình, nhà cửa ở ven sông. |
Sau hơn 10 năm kể từ khi xảy ra lũ lớn năm 2011 ở ĐBSCL, khí hậu, thiên tai ở Vĩnh Long tiếp tục có nhiều thay đổi, theo xu hướng ngày càng “khó khăn hơn”. Nhiều giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Chiều hướng bất thường
Hiện trạng các yếu tố khí tượng thủy văn, thiên tai trong tỉnh biến đổi rõ rệt, trong đó các loại hình thiên tai thay đổi bất thường hơn là mưa lớn, lũ, triều cường và xâm nhập mặn.
Mưa đã gia tăng về lượng và thời gian. Lượng mưa năm nay tại trạm Vĩnh Long tăng bình quân 1,2 mm/năm. Lượng mưa mùa khô tăng 0,7 mm/năm. Lượng mưa mùa mưa tăng bình quân 0,5 mm/năm. Số ngày mưa lớn hơn 50mm (lượng mưa có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người) dao động từ 2- 6 ngày/năm.
Tuy lũ đầu nguồn sông Cửu Long không lớn nhưng ở Vĩnh Long đỉnh triều cường luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, đỉnh triều cường cao nhất năm đạt mốc lịch sử, tại Mỹ Thuận 2,12m, tại Cần Thơ 2,25m. Liên tiếp theo các tháng mùa khô năm 2011, 2016 và 2019, 2020, độ mặn sông rạch lên cao, xâm nhập sâu, diện ảnh hưởng rộng hơn. Đặc biệt là mùa khô năm 2019- 2020, độ mặn lên cao kỷ lục và xâm nhập mặn kéo dài đến tận tháng 5.
Các loại hình thiên tai thường niên nhưng vẫn còn gây tổn thất lớn, như: giông, lốc xoáy, sạt lở. Mỗi năm có hàng trăm căn nhà cùng với nhiều diện tích cây trồng, công trình bị hư hại do giông, lốc và có khoảng 200 tuyến/điểm bờ sông, kinh, rạch bị sạt lở kéo theo từ 6- 8km bờ sông cùng với nhiều công trình ở ven sông và hàng chục héc ta đất bị sạt xuống sông. Thiệt hại do thiên tai có xu hướng tăng qua các năm: 14,1 tỷ đồng (2010), hơn 240 tỷ đồng (2011), 310 tỷ đồng (2016) và hơn 430 tỷ đồng (2020). Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là do xâm nhập mặn (trong mùa khô 2015- 2016 là 293,3 tỷ đồng và mùa khô 2019- 2020 là 395,8 tỷ đồng).
Thành tựu nổi bật trong phòng chống thiên tai
Phát huy kết quả ở giai đoạn trước, hơn 10 năm qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân, doanh nghiệp trong tỉnh, công tác PCTT đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Trước nhất có thể kể đến là bộ máy, tổ chức PCTT- TKCN từ tỉnh đến cấp cơ sở được thành lập. Ban chỉ huy PCTT-TKCN ở tất cả các cấp, ngành, đơn vị được thành lập và kiện toàn hàng năm. Có 107 xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn đội xung kích với 9.355 người.
Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật vừa phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vừa đảm bảo nhu cầu cơ bản cho công tác PCTT đã được xây dựng. Đến nay, hệ thống thủy lợi đã khép kín trên 94% diện tích canh tác (112.855ha). Hệ thống giao thông bộ từng bước xây dựng, nâng cấp kết nối với hệ thống thủy lợi ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, triều cường, nước dâng. Hệ thống điện, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình đảm bảo thông suốt thông tin khi thiên tai xảy ra. Hệ thống nhắn tin SMS truyền thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai đã thiết lập, kết nối thông tin đến hơn 1.700 đầu số đến tất cả thành viên của ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp, lãnh đạo các sở, ngành, cấp huyện và các cá nhân.
Toàn tỉnh có 510 cơ sở GD-ĐT, nhà văn hóa công cộng có thể sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn. Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2010-2020 của tỉnh đã giúp kiên cố hóa gần 195.000 căn nhà trong dân. Đã xây dựng 21 công trình dự báo, cảnh báo thiên tai đang hoạt động tốt, phục vụ tích cực cho công tác PCTT.
Nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai vào cộng đồng từng bước được nâng cao. Triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng 2 giai đoạn năm 2010-2015 và 2016- 2020, ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, như: tập huấn, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT, trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ làm công tác PCTT và cho giáo viên, học sinh, bộ phận nhân dân.
Khai thác tốt các nguồn lực cho PCTT, chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của các tổ chức trong và ngoài tỉnh để phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Bên cạnh các nguồn tài chính (như ngân sách nhà nước, PCTT và nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân), công tác PCTT còn được đầu tư gián tiếp từ ngân sách chi thường xuyên, ngân sách đầu tư phát triển, nguồn vốn ODA hay các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Quỹ PCTT từ khi thành lập đến nay đã huy động tốt các nguồn lực kinh tế xã hội tham gia vào công tác PCTT.
Nguồn kinh phí xã hội hóa phục vụ cho công tác khắc phục, phục hồi, tái thiết sau thiên tai cũng được các cấp chủ động tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía. UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam tỉnh, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp… đã vận động và tiếp nhận sự đóng góp bằng tiền, phương tiện, trang thiết bị từ các tổ chức, cá nhân trong- ngoài tỉnh, đã cứu trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng lũ lớn năm 2011, hỗ trợ cho dân vùng bị xâm nhập mặn.
Những thách thức mới
Trong thời gian tới, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh còn những thách thức lớn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu- nước biển dâng làm xuất hiện các loại hình thiên tai, thời tiết cực đoan mới trái với quy luật, cường độ quy mô thiên tai xu thế gia tăng, tần suất thiên tai càng dày hơn.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 (UBND tỉnh ban hành ngày 23/3/2021), các loại thiên tai trên địa bàn tỉnh có xu thế biến đổi theo hướng tiêu cực hơn trong tương lai. Trong đó, mưa (mưa lớn), mực nước sông (triều cường) có xu thế gia tăng, ngập lụt thường xuyên tại các đô thị và nguy cơ xâm nhập mặn lan rộng từ nay đến năm 2050.
Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, xu thế thiên tai, nhất là nguồn nước ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hoạt động của con người ở thượng lưu. Lũ có xu thế giảm nhưng do phụ thuộc vào vận hành của các đập thủy điện, thủy nông ở thượng nguồn nên diễn biến lũ về ĐBSCL rất khó lường. Nếu lũ thượng nguồn lớn (do mưa lớn bởi ảnh hưởng của áp thấp, áp thấp nhiệt đới, bão, tuyết tan nhiều, hiện tượng La Nina…), các đập liên hoàn xả lũ thì lũ lớn bất thường sẽ xuất hiện trở lại về phía hạ lưu, ở ĐBSCL; và ngược lại, nếu lũ thượng nguồn nhỏ (do hạn hán, tuyết tan ít, El Nino…), các đập thượng nguồn sẽ tích nước, điều tiết xả nước về hạ lưu ít kết hợp với nước biển dâng thì xâm nhập mặn sẽ sâu hơn, gay gắt hơn.
Bài, ảnh: THÀNH THẶNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin