Mưa lớn gây ảnh hưởng sản xuất

05:05, 06/05/2022

Khoảng nửa tháng nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều diện tích lúa, rau màu bị chết giống, đổ ngã, gây thiệt hại cho nông dân. Ngành chức năng cũng đã kịp thời có các giải pháp hỗ trợ khắc phục và phòng chống thiên tai, mưa lũ trong thời gian tới.

(VLO) Khoảng nửa tháng nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều diện tích lúa, rau màu bị chết giống, đổ ngã, gây thiệt hại cho nông dân. Ngành chức năng cũng đã kịp thời có các giải pháp hỗ trợ khắc phục và phòng chống thiên tai, mưa lũ trong thời gian tới.

Mưa lớn, lúa đổ ngã gây khó khăn trong việc thu hoạch lúa.
Mưa lớn, lúa đổ ngã gây khó khăn trong việc thu hoạch lúa.

Lúa đổ ngã, thiệt hại hoa màu

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, cho biết: Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, mưa lớn đã làm 5ha lúa chết giống, thiệt hại 12,8ha màu (dưa hấu và bí đao) tại các xã: Long An, Thanh Đức.

Trong đó có 10,4ha màu bị thiệt hại trên 70%, ước thiệt hại màu trên 530 triệu đồng. Dù người dân đã chuẩn bị máy bơm tát nhưng vì mưa lớn nên ruộng không kịp thoát nước. Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đã phối hợp UBND xã trực tiếp xuống địa bàn giúp người dân khắc phục thiệt hại cũng như hướng dẫn làm thủ tục hỗ trợ để người dân sớm ổn định sản xuất.

Tại Mang Thít, một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị mưa lớn làm đổ ngã.

Có 4 công lúa bị sập do mưa lớn, cô Nguyễn Thị Tư (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho hay: “Lúa của tôi sắp thu hoạch thì mưa lớn liên tiếp trong 2 ngày, khiến lúa ngã. Có chỗ lúa bị sập nặng, nằm bẹp, máy cắt không thể lùa để thu hoạch được nên tôi phải cắt lúa tay.

Không chỉ giảm về năng suất, chất lượng, giá bán lúa sập cũng thấp hơn so với lúa đứng. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu tư cho vụ lúa này từ đầu vụ đến nay đều tăng nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận giảm hơn là chắc”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến cuối tháng 4/2022 có trên 29.000ha lúa Hè Thu đã xuống giống. Thời gian qua, mưa lớn đã làm đổ ngã trên 20ha tỷ lệ 10- 20% trên trà lúa trổ chín, chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn.

Thời tiết ban ngày nắng nóng xen mưa, về đêm ẩm độ không khí cao kết hợp trà lúa Hè Thu đang giai đoạn xung yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển.

Bên cạnh đó, với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, là điều kiện cho nhện gié, ốc bươu vàng tiếp tục phát triển và gây hại. Trong đó, ốc bươu vàng có thể tập trung gây hại trên lúa mới xuống giống giai đoạn mạ, nhất là những vùng trũng, ngập nước và không chủ động các biện pháp diệt trừ.

Chủ động phòng chống thiên tai, mưa lũ

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết mùa xuân 2022 sau đó chuyển sang trạng thái trung tính.

Từ cuối tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông, có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp. Tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, cho biết: “Trung bình nhiều năm thì mùa mưa tại Vĩnh Long bắt đầu từ ngày 10- 15/5.

Tuy nhiên, thời gian qua, hiện tượng La Nina (pha lạnh) chi phối thời tiết Nam Bộ cùng với đới gió Tây Nam đang có xu hướng hoạt động, nên mùa mưa năm nay đã bắt đầu sớm hơn so trung bình nhiều năm”.

Để chủ động ứng phó với tình hình trên, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, công trình đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2022, UBND tỉnh vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, thông báo mưa, lũ, triều cường từ các cơ quan chuyên môn, để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó; chỉ đạo vận hành các công trình thủy lợi phù hợp với diễn biến lũ và tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thủy lợi, đê bao, đường giao thông kết hợp làm đê bao chống lũ ở vùng kém an toàn với lũ, triều cường trên địa bàn; tổ chức duy tu, sửa chữa nâng cấp các đoạn đê bao xuống cấp, xung yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ.

Song song đó, chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng, kinh phí, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng khắc phục sự cố công trình thủy lợi, đê điều xảy ra trong mùa mưa, lũ, triều cường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2022 do cấp huyện quản lý.

Bên cạnh đó, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai kết hợp theo dõi công trình thủy lợi, đê điều khi có sự cố công trình xảy ra sớm khắc phục đảm bảo an toàn công trình; phối hợp triển khai thực hiện các dự án, công trình thủy lợi do tỉnh làm chủ đầu tư trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trước khi lũ về; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều trong tỉnh; nạo vét, khơi thông hệ thống kinh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ,…

Ông Trương Hoàng Giang cho biết: Để đáp ứng tốt yêu cầu dự báo, cảnh báo, thời gian tới, Đài Khí tượng- Thủy văn sẽ tăng cường thông báo, thông tin về khí tượng thủy văn, diễn biến và dự báo mưa, lũ, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới… ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và công trình thủy lợi, đê điều.

Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn, tổng lượng mưa trong tháng 5 hầu hết đều cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 50- 200%. Theo đó, trong tháng khu vực tỉnh sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông. Trong mưa giông đề phòng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cụ thể, từ 5- 10/5 mưa xảy ra rải rác, có nơi mưa vừa đến mưa to. Thời điểm mưa tập trung chủ yếu về chiều và tối, ban ngày có nắng gián đoạn.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh