
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản (BĐS), Đề án "Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long" đã được UBND tỉnh ban hành, đề ra giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước.
![]() |
Người dân và doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ. |
(VLO) Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản (BĐS), Đề án “Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã được UBND tỉnh ban hành, đề ra giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước.
Sự cần thiết xây dựng Đề án
Theo Cục Thuế tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế nói chung và công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS nói riêng và đã có những chuyển biến tích cực.
Nhất là từ khi triển khai thực hiện các luật, nghị định trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, chuyển nhượng BĐS và chuyển nhượng dự án, kết quả quản lý thu đối với lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đã góp phần tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Cụ thể như thất thu thuế, phí do giá chuyển nhượng BĐS.
Người nộp thuế thường kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường hoặc có hiện tượng ký 2 hợp đồng ghi giá khác nhau nhằm trốn, tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước (hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng)…
Ông Lê Văn Sơn- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Thời gian qua, có một số cá nhân giàu lên rất nhanh thông qua việc chuyển nhượng, mua bán lòng vòng BĐS mà không tạo ra một giá trị nào mới cho xã hội. Trong khi đó, Nhà nước lại thất thu ngân sách lớn.
Cũng theo ông Sơn, đến nay có một số nội dung quy định có liên quan không còn phù hợp với tình hình thực tế. Ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao, kê khai không trung thực nghĩa vụ thuế phí phát sinh phải nộp, vẫn còn trường hợp cố tình vi phạm, lách luật, trốn thuế,…
Do vậy, việc ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” của UBND tỉnh trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.
Nâng cao nhận thức, tạo sự công bằng trong kinh doanh
Mục tiêu cụ thể của đề án là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự chủ động phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác quản lý thuế nhằm ngăn ngừa và chống thất thu thuế, phí đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS một cách hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng.
Tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS,…
Theo đó, BCĐ Đề án chống thất thu thuế đã thành lập 6 Tổ Thanh tra- Kiểm tra thực hiện Đề án “Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
“Các tổ sẽ tăng cường công tác thanh tra- kiểm tra, giám sát tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế có phát sinh hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đảm bảo việc kê khai số thuế phải nộp phù hợp với thực tế phát sinh.
Thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế hoặc trụ sở người nộp thuế đối với các trường hợp giao dịch BĐS đáng ngờ, có giá trị giao dịch lớn, có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thông qua việc thực hiện các nghiệp vụ để xác minh giá chuyển nhượng”- ông Sơn cho biết thêm.
Cục Thuế khuyến nghị người dân và doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng BĐS cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân, tránh khỏi các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng BĐS như: khi khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, đền bù và các tình huống pháp lý khác.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin