Ở đô thị, sông rạch vừa giúp tiêu thoát nước giảm ngập úng vừa giúp điều hòa không khí, tạo "mảng xanh"... Theo đó, giữ gìn sự thông thoáng, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho sông rạch là hết sức cần thiết.
Sông Kinh Cụt (TP Vĩnh Long) đang được cải tạo. |
(VLO) Ở đô thị, sông rạch vừa giúp tiêu thoát nước giảm ngập úng vừa giúp điều hòa không khí, tạo “mảng xanh”... Theo đó, giữ gìn sự thông thoáng, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho sông rạch là hết sức cần thiết.
Nỗ lực trả lại sự thông thoáng
Công trình cải tạo hệ thống cống thoát nước kết hợp đường giao thông Rạch Gai- đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Lê Văn Vị (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) được thi công hoàn thành đã giúp xóa “điểm đen” ô nhiễm nhiều năm.
Ở Rạch Gai 50 năm, chú Lê Văn Y cho hay: “Trước đây, kinh rộng 4- 5m, thông thương 2 đầu nên ghe xuồng đi lại được. Sau này, cống bị bít nên nước ứ đọng. Nhiều người xả rác xuống kinh, rồi một số hộ xây cất nhà cửa lấn chiếm nên con rạch bị thu hẹp, có chỗ bị bít lại luôn.
Do đó, kinh được cải tạo tui mừng lắm!”. Ông Trịnh Tấn Tài- Chủ tịch UBND phường Cái Vồn (TX Bình Minh)- cho biết, công trình cải tạo cống thoát nước, làm đường giao thông Rạch Gai giúp khắc phục điểm ô nhiễm môi trường, phục vụ chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Còn tại TP Vĩnh Long, rạch Bờ Húm (Khóm 4- Phường 3) cũng khang trang và phục vụ thoát nước tốt hơn sau khi được nạo vét, khơi thông. Ông Phạm Văn Sơn sống “cố cựu” ở đây cho biết: Rạch có chiều dài khoảng 1.000m, giúp thoát nước mưa và nước sinh hoạt cho khoảng 200 hộ dân.
Trước kia, con rạch rộng khoảng 10m, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng đôi bờ và ghe xuồng có thể lưu thông. Tuy nhiên, sau mấy mươi năm, nhiều công trình nhà cửa mọc lên và rác rến ứ đọng nên rạch bị bồi lắng, thu hẹp. Mùa mưa lũ có khi nước bẩn ngập hơn nửa bánh xe, đi lại khó khăn.
Cùng với nạo vét để khơi thông, khóm cũng vận động người dân không xả rác xuống rạch, đảm bảo vệ sinh môi trường. “Cùng với rạch Bờ Húm thì Khóm 4 còn có rạch Vòng cũng đã được nạo vét, khơi thông dòng chảy và trông mỹ quan hơn”- ông Sơn cho hay.
Mới đây, các hộ sống ven sông Kinh Cụt (TP Vĩnh Long) khấp khởi mừng khi đoạn kè qua đây được khởi công. Theo Ban Quản lý dự án ODA tỉnh, hạng mục cải tạo sông Kinh Cụt được khởi công ngày 24/12/2021, thời gian thực hiện 600 ngày.
Nhà ven đoạn kinh, một hộ dân bày tỏ vui mừng vì “sông này rác rến ứ đọng, xây cất lấn chiếm trông nhếch nhác và ô nhiễm. Giờ được làm kè, sẽ thông thoáng và đẹp hơn”.
Bà Thái Thị Kim Cúc- Chủ tịch UBND Phường 5, cho biết một số con rạch ở phường trước đây ùn ứ, vừa qua đã được nạo vét. Chẳng hạn rạch Cái Sơn Bé người dân có thể múc nước tưới cây, phục vụ sinh hoạt.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những con rạch… chưa đẹp. Ở đường Nguyễn Văn Lâu (Phường 8- TP Vĩnh Long), chị Phạm Ngọc H. cho biết, gần nhà có con kinh nhưng do nhiều hộ xây nhà sàn, làm cầu ngang kinh không chú ý giữ thông thoáng dòng chảy, có hộ xây bít bùng cả một đoạn.
Một số hộ thì xả rác thải, nước bẩn... Do đó, hiện đoạn kinh này nước đã chuyển màu, trông nhếch nhác, còn lo ruồi, muỗi sinh sôi. Theo chị H., ngành chức năng cần quản lý chặt tình hình xây dựng, xử lý nghiêm việc quăng rác, xả bẩn xuống kinh để trả lại sự thông thoáng.
Giữ gìn, phát huy vẻ đẹp sông nước
Một con rạch ở Phường 5 (TP Vĩnh Long) thông thoáng sau khi được nạo vét. |
Ở nhiều đô thị lớn của cả nước thời gian qua như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhiều dự án trả lại vẻ đẹp tự nhiên, trả lại không gian bờ sông cho cộng đồng đã và đang được triển khai. Mới đây, TP Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.
Đây được coi dấu mốc quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông có bề dầy lịch sử, văn hóa này.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng (Quận 1)… thu hút sự quan tâm rất lớn của giới chuyên gia và người dân.
Công viên bến Bạch Đằng hoàn thành cải tạo, mở ra thêm không gian dạo phố ngắm sông, người dân có thêm điểm vui chơi, ngắm cảnh thoáng đãng, mát mẻ.
Theo nhiều ý kiến, từ công trình bến Bạch Đằng, việc quy hoạch cần mở rộng ra hơn dọc hai bên bờ sông Sài Gòn để có một dải liền mạch, đồng bộ.
Tại Vĩnh Long, tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án nhằm cải tạo cảnh quan, phát huy tiềm năng, vẻ đẹp sông nước kết hợp chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu… Đó là kè Cổ Chiên, kè sông Tiền, công trình đê bao dọc sông Hậu, kè sông Long Hồ, đê bao sông Măng Thít…
Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, khai thác cảnh quan sông nước, đặc biệt là tạo khác biệt, hấp dẫn riêng để thu hút du lịch là vấn đề luôn được tỉnh quan tâm.
Theo đó, khi phát triển đô thị sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong đô thị.
Cũng theo ông Đoàn Thanh Bình, ven sông rạch sẽ không chỉ làm kè mà còn có những giải pháp “mềm” để tạo sự gần gũi thân thiện, giao tiếp giữa sông và bờ, giữa con người với dòng sông như cây xanh, thảm cỏ, cảnh quan kết hợp công viên…
Nỗ lực giải cứu, giữ gìn sự thông thoáng cho sông rạch, trả lại không gian bờ sông cho cộng đồng thời gian qua rất đáng hoan nghênh và cần được phát huy. Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan, “bứt tử” sông rạch.
Cần tránh tình trạng ô nhiễm, nhếch nhác rồi mới tìm cách “cứu”- gây tốn kém thời gian, tiền của và công sức. Về phía người dân, cần quan tâm giữ gìn mỹ quan, phát huy vẻ đẹp của sông rạch. Đó cũng là cách để bảo vệ môi trường sống của mình luôn trong lành.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin