Nhằm bảo tồn, nâng cao tính đa dạng sinh học (ĐDSH), thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 3/8/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và định hướng đến năm 2030.
(VLO) Nhằm bảo tồn, nâng cao tính đa dạng sinh học (ĐDSH), thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 3/8/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, bảo vệ sự ĐDSH và các hệ sinh thái (HST) đặc thù hiện có trên địa bàn tỉnh trước tác động của phát triển kinh tế- xã hội.
Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long. |
Một số kết quả nổi bật
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 3/8/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở ngành liên quan đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về ĐDSH, đạt nhiều kết quả.
Theo đó, thực hiện “Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư”, trong giai đoạn 2017- 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai 4 dự án truyền thông nâng cao nhận thức về ĐDSH.
Các dự án tập trung vào công tác điều tra, khảo sát nhận thức về ĐDSH, biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hoạt động truyền thông, đánh giá hiệu quả công tác truyền thông. Kết quả, đã tổ chức 17 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ môi trường với 1.815 đại biểu tham dự; phát hơn 54.100 tài liệu bướm tin, sổ tay, poster…
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác tuyên truyền về ĐDSH được triển khai rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong cộng đồng dân cư.
Công tác chỉ đạo, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH đã được chú trọng hơn. Có được sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương trong tỉnh.
Từ đó, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH từng bước được nâng cao. Một số hộ dân đã tích cực chủ động giao nộp những loài gây nuôi quý hiếm không rõ nguồn gốc cho cơ quan Kiểm lâm.
Việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn người dân gây nuôi động vật hoang dã thực hiện đúng quy định của pháp luật đã bước đầu tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nuôi. Các HST ven sông, HST đồng ruộng được đảm bảo bền vững, không để tác động xấu ảnh hưởng đến ĐDSH.
Bên cạnh việc ra sức bảo tồn HST sẵn có, đã có những hoạt động cụ thể khác nhằm nâng cao sự ĐDSH trong sản xuất nông nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tăng cường sử dụng các biện pháp sinh học như mô hình công nghệ sinh thái trên cây lúa, trên cây ăn trái được thực hiện qua rất nhiều năm.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp- PTNT giao Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức 1- 2 đợt thả cá giống các loài bản địa, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng từ 271.000- 950.000 con cá giống các loại/năm, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần ĐDSH.
Nỗ lực bảo tồn ĐDSH
Thả cá ra sông góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. |
Bên cạnh kết quả đạt được cũng có những hạn chế như hệ thống cơ sở dữ liệu về ĐDSH chưa đầy đủ; cơ sở dữ liệu các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đôi lúc chưa kịp thời.
Sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH đôi lúc chưa chặt chẽ. “Việc quản lý các tác nhân gây suy giảm ĐDSH như loài ngoại lai xâm hại, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… chưa thực sự hiệu quả.
Nguy cơ suy giảm các quần thể chim do nạn săn bắt chim ngày càng gia tăng, sinh cảnh sống thay đổi, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây tác động lớn tới sự ổn định môi trường sống cho các loài chim”- ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm.
Để công tác bảo tồn ĐDSH tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh và đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội thảo, sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh ĐDSH vườn chim, sản phẩm nông nghiệp an toàn và văn hóa truyền thống kết hợp với cộng đồng để gìn giữ và bảo tồn thiên nhiên… từ đó, tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn ĐDSH.
Tại buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 3/8/2016 của HĐND tỉnh Vĩnh Long về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh lưu ý cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về ĐDSH, bảo vệ được các HST trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết; xây dựng các mô hình bảo tồn, quản lý và phát triển ĐDSH…
Theo báo cáo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 5 HST chính gồm HST tự nhiên trên cạn; HST tự nhiên dưới nước (chiếm khoảng 12% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh); HST đồng ruộng (chiếm khoảng 46,6%); HST vườn (chiếm khoảng 34,9%) và HST đô thị và dân cư (tỷ lệ 2,8%). |
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin