Đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất

06:04, 05/04/2022

Theo đánh giá của ngành chức năng, mùa khô năm 2021- 2022, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL nhìn chung tương đối thuận lợi, cơ bản không bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

 

Ngành chức năng cần theo dõi nguồn nước trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước hiệu quả.
Ngành chức năng cần theo dõi nguồn nước trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước hiệu quả.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mùa khô năm 2021- 2022, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL nhìn chung tương đối thuận lợi, cơ bản không bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Mưa trái mùa bổ sung nguồn nước

Theo Tổng Cục Thủy lợi, ở ĐBSCL, xâm nhập mặn đã diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015- 2016 và 2019- 2020 và một số thời điểm cao hơn so với mùa khô năm 2020- 2021.

Do công tác chuẩn bị, ứng phó được thực hiện tốt, xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Theo thông tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT, nguồn nước cơ bản đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất nông nghiệp cho vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2022.

Bên cạnh đó, từ đầu mùa khô đến nay, khu vực xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Các đợt mưa này đã bổ sung nguồn nước tưới cho cây trồng, góp phần làm giảm mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Nguồn nước mùa khô năm 2021- 2022 về ĐBSCL xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây.

Theo đánh giá của Tổng Cục Thủy lợi, trong các đợt xâm nhập mặn đã xảy ra từ đầu năm, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, do được hỗ trợ nguồn nước từ các trận mưa trái mùa và sự chủ động tích trữ nước cho vườn cây ăn trái nên đến nay, xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

Còn theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lưu lượng nước từ thượng nguồn về ĐBSCL thấp đến cuối tháng 3/2022, sau đó khả năng gia tăng do điều tiết từ các hồ chứa thượng lưu.

Từ nửa cuối tháng 3/2022, xâm nhập mặn ở vùng cửa sông Cửu Long bắt đầu giảm dần, phạm vi xâm nhập cách biển từ 30- 45km, có nước ngọt khi triều thấp, chân triều; vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức như trong tháng 3.

Ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng 25- 30km trở vào có thể có nước ngọt.

Với mức độ xâm nhập mặn như dự báo, mặn có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm vào cao điểm trong tháng 3. Xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển từ 35- 50km vào các ngày triều cường.

Tuy nhiên, với điều kiện các công trình thủy lợi đã đầu tư, các giải pháp Bộ Nông nghiệp- PTNT đã chỉ đạo triển khai như: xuống giống sớm tại các vùng ven biển để né tránh mặn; đào ao, nạo vét kinh mương, tích trữ nước mương vườn,… khả năng không xảy ra thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2022 ở khu vực ĐBSCL.

Tại Vĩnh Long để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2021- 2022, ngành chức năng đã tập trung vào các giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phù hợp với thực trạng nguồn nước.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng phù hợp, tăng cường nạo vét kinh mương, khuyến cáo người dân trữ ngọt, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo vệ sản xuất.

Chủ động triển khai các giải pháp phù hợp

Nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân được thực hiện hiệu quả.
Nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân được thực hiện hiệu quả.

Thời gian qua, ngành chức năng đã chủ động, đẩy nhanh các công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho người dân trong những tháng mùa khô.

Còn người dân cũng tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, tích cực ứng dụng và thực hiện các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, trữ nước trong các ao bạt để đủ nguồn nước tưới.

Có 8 công sầu riêng từng bị ảnh hưởng nặng do hạn mặn, chú Phan Thanh Liêm (xã Chánh An- Mang Thít), cho hay: “Tôi tuân theo khuyến cáo về kỹ thuật, thông báo về độ mặn của địa phương để có giải pháp trồng, trữ nước ngọt, phun tưới cho cây trồng đúng lúc, đúng cách, bởi cây sầu riêng rất nhạy cảm với độ mặn. Nhờ chủ động các giải pháp nên đến thời điểm hiện tại, vườn tôi vẫn phát triển tốt”.

GS.TS. Tăng Đức Thắng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đề nghị: Các địa phương cần tiếp tục thực hiện và cập nhật kế hoạch cấp nước theo thực tế nguồn nước và các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, chủ động sử dụng tiết kiệm nước các hồ chứa đảm bảo cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh trong thời gian còn lại của vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu.

Mới đây, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã có đánh giá mực độ ảnh hưởng tới nguồn nước và xâm nhập mặn trên vùng ĐBSCL khi các đập thủy điện Trung Quốc xả thêm nước trong thời gian qua. Theo đó, mực nước về ĐBSCL tăng thêm tuy không nhiều, nhưng thời gian xả nước dài, lưu lượng tăng thêm khá lớn nên làm giảm đáng kể độ mặn xâm nhập trên vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL trong tháng 4. Cụ thể theo kết quả tính toán cho thấy, mặn giảm từ 0,19- 1,39 g/l trong TH3 (xả cả tháng 3 và tháng 4). Trong đó giảm mạnh hơn trên sông Tiền, sông Hậu và sông Hàm Luông và giảm nhẹ nhất trên sông Vàm Cỏ Tây.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh