Khi nông dân "buông" đất

01:04, 06/04/2022

Đối với giới đầu tư, đầu cơ bất động sản đất chỉ là hàng hóa; nhưng với nông dân truyền thống ở nông thôn gắn bó với nông nghiệp nhiều đời, thì đất đai mang một giá trị sử dụng "vĩnh cửu". Một thứ giá trị chỉ có tăng lên theo thời gian mà không hề sụt giảm, theo nguyên tắc tăng dần mật độ dân số, quá trình đô thị hóa…

(VLO) Đối với giới đầu tư, đầu cơ bất động sản đất chỉ là hàng hóa; nhưng với nông dân truyền thống ở nông thôn gắn bó với nông nghiệp nhiều đời, thì đất đai mang một giá trị sử dụng “vĩnh cửu”. Một thứ giá trị chỉ có tăng lên theo thời gian mà không hề sụt giảm, theo nguyên tắc tăng dần mật độ dân số, quá trình đô thị hóa…

Như vậy, nông dân cần phải thật sự bình tĩnh trước những cơn sốt đất, đương nhiên khi giá trị đất tăng trên thị trường sẽ có những mặt lợi và hại.

Nhưng chắc chắn một điều, khi nông dân “buông” đất để cầm lấy đống tiền, câu chuyện không hề đơn giản mà nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy không thể lường trước được. Sẽ có một sự thay đổi mang tính biến động lớn từ trong bản thân người nông dân cho đến mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Một vài mẫu đất với nông dân, nó mang tính bền vững truyền đời qua nhiều thế hệ, có người có thể khá lên, cũng có người không khấm khá lắm, nhưng mảnh ruộng, khu vườn đảm bảo bền vững cho cuộc sống của gia đình và trải qua nhiều thế hệ một cách bền vững.

Nó gắn với một nghề nông của dòng họ ở nông thôn. Nhưng nếu bất chợt khi mấy công ruộng đó bỗng chốc có giá vài ba tỷ đồng, hoặc hơn thế nữa, người nông dân sẽ bị dao động, sẽ bị sức ép từ nhiều phía trước vấn đề bán đất và bỗng chốc có tiền tỷ “cầm tay”. Và họ sẽ đối mặt thế nào trong tương lai?

Sẽ có rất nhiều “kịch bản” xảy ra, có thể giàu hơn và cũng có thể nghèo hơn và trắng tay. Khi số tiền vài tỷ có thể sẽ xây nhà, sẽ mua xe, sẽ chia các con cái…

Nhưng chắc chắn một điều con số vài tỷ bạc rất dễ “bốc hơi” hơn là giữ ruộng hoặc tích lũy thêm diện tích gieo trồng, đối với một người ở nông thôn gắn bó với nghề nông.

Chưa kể những thay đổi thói quen tiêu xài, chưa kể sự chuyển đổi ngành nghề thất bại, rất nhiều mối nguy đặt ra không đảm bảo sự ổn định đời sống gia đình như bao đời nay gắn với ruộng vườn.

Chưa kể, tương lai đất đai nông nghiệp ở những vùng khí hậu thuận lợi, sẽ trở thành “của quý hiếm” trên trái đất này. Đó là chỉ nói về những hệ lụy ở mức độ riêng lẻ của từng hộ gia đình nông dân.

Nói rộng ra một chút, sự biến động bất thường về đất đai nông nghiệp, cũng có nguy cơ tạo nên những sự phát triển kiểu “kinh tế bọt bia”, mà ngày nay lại thêm rất nhiều chiêu trò ma quái, người dân nông thôn không thể lường trước được.

Thiển nghĩ, nông dân nên bình tĩnh, thận trọng khi một sáng thức dậy bỗng thấy mấy công ruộng của mình trở thành “món hàng” tiền tỷ. Khi nông dân “buông” ruộng, phần đông sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn là lợi ích dài lâu.

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh