Cần nhìn nhận khách quan việc đốn cây Sao ở chùa Cũ- Đại Thọ

05:04, 06/04/2022

Trên mạng xã hội những ngày qua lan truyền những đoạn livestream của một số cá nhân, nội dung liên quan đến cây Sao tại chùa Cũ- Đại Thọ (hay còn gọi là chùa Ba Phố thuộc xã Loan Mỹ- Tam Bình) với những lời lẽ vô cùng gay gắt và thiếu khách quan, cho rằng chính quyền cấu kết với Ban Quản trị, Sư cả chùa đốn hạ cây Sao di tích có trên 700 tuổi nhằm xóa bỏ di sản của đồng bào Khmer...

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh và một số ban ngành liên quan đến khảo sát, xác định tình trạng cây Sao còn sống hay đã chết.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh và một số ban ngành liên quan đến khảo sát, xác định tình trạng cây Sao còn sống hay đã chết.

(VLO) Trên mạng xã hội những ngày qua lan truyền những đoạn livestream của một số cá nhân, nội dung liên quan đến cây Sao tại chùa Cũ- Đại Thọ (hay còn gọi là chùa Ba Phố thuộc xã Loan Mỹ- Tam Bình) với những lời lẽ vô cùng gay gắt và thiếu khách quan, cho rằng chính quyền cấu kết với Ban Quản trị, Sư cả chùa đốn hạ cây Sao di tích có trên 700 tuổi nhằm xóa bỏ di sản của đồng bào Khmer; kêu gọi mọi người con Khmer đoàn kết bảo vệ cây di sản của ông cha; quyết ngăn cản không cho đốn hạ cây…

Được biết, cây Sao tại chùa Cũ đã có tuổi đời rất lâu, là một trong những cây cổ thụ trên vùng đất tỉnh Vĩnh Long. Năm 2016, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tiến hành khảo sát và công nhận là “Cây di tích lịch sử- văn hóa Việt Nam” để bảo tồn nguồn gien cổ và chăm sóc được tốt hơn.

Ngoài cây Sao tại chùa Cũ, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn một số cây, cụm cây được công nhận trong dịp này như: Hàng cây Sao cổ thụ tại khu di tích Văn Thánh Miếu- TP Vĩnh Long; cây Bằng Lăng cổ thụ tại xã Mỹ Lộc; cụm cây Dầu tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long…

Vào tháng 5/2021, nhận thấy cây có dấu hiệu chết khô, nên Ban Quản trị chùa Cũ đã báo cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long (vì cây Sao nằm trong khuôn viên chùa Cũ- là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” thuộc chức năng quản lý của Bảo tàng tỉnh), để xem xét, đánh giá, bảo tồn cây.

Ngày 27/10/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Ban Quản trị chùa Cũ đã đến kiểm tra hiện trạng cây Sao di tích tại chùa.

Cây Sao (còn có tên khoa học là Hopea odarata) có tuổi thọ trên 400 năm, chiều cao 55m, đường kính gốc trên 2m, độ phủ tán hơn 500m2. Tại cuộc họp, ông Thạch Thiênl- Trưởng Ban Quản trị chùa Cũ, và các vị cao niên từng tu ở chùa cho biết, cây Sao này đã bị sét đánh vào năm 1976 làm 1/4 thân cây bị tổn thương nặng, nhưng sau đó vẫn sống.

Đến nay, phần tổn thương do sét đánh đã bị mục rỗng và cây đã chết hoàn toàn. Do vậy, Ban Quản trị chùa sẽ họp phật tử thông báo về thực trạng cây Sao này và xin ý kiến về cách xử lý, cắt cây để tránh tai nạn khi cây mục sẽ đổ ngã. Thân cây cũng giao cho nhà chùa quyết định dùng vào việc của nhà chùa.

Bên cạnh đó, Sư Thạch Xươnl- Quyền Sư cả chùa Cũ cho biết, cây Sao đã chết khô từ vài tháng nay, nên đã báo cho Ban Quản trị chùa biết để có hướng xử lý tránh cây bị đổ ngã làm ảnh hưởng đến kiến trúc chùa và các công trình khác, tránh nguy hiểm cho những người tu học tại đây, cũng như phật tử đến viếng chùa cúng Phật; đặc biệt là hiện nay trong mùa mưa bão, cần nên xử lý sớm.

“Khi cắt cây cũng cần tránh đổ ngã gây chấn động, vì vậy cần có thợ cắt chuyên nghiệp. Mặt khác, thân cây có thể tạo tác thành tác phẩm có ý nghĩa để bảo tồn cho mọi người biết về cây Sao này”- Sư Thạch Xươnl mong muốn.

Hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc trên trang mạng xã hội.
Hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc trên trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc đốn cây chưa tiến hành được trong năm 2021. Bên cạnh đó, một số sư sãi, phật tử cực đoan tại địa phương ngăn cản, cho rằng đây là cây của cộng đồng, nếu muốn đốn thì phải bàn bạc và được sự chấp thuận của họ, nên việc đốn cây tạm dừng lại.

Ngày 16/3/2022, Ban Quản trị chùa và Sư cả thống nhất sẽ đốn hạ cây (vào ngày 23/3/2022), vì nhận thấy cây khô, mục rỗng, đến mùa mưa bão nếu đổ ngã sẽ ảnh hưởng đến đường dây trung thế 110kV cạnh đó.

Ban Quản trị có gửi đơn nhờ các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí và đảm bảo an toàn điện, tính mạng của người dân trong quá trình đốn cây.

Nhưng khi chuẩn bị đốn cây thì một số tu sĩ, phật tử gần đó kéo đến ngăn cản, la ó, chửi bới chính quyền (với những lời lẽ như trong các đoạn livestream) mà không chịu nghe sự giải thích, phân tích từ các cấp chính quyền.

Thiết nghĩ, việc cây Sao chết là do tự nhiên và việc đốn cây là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, bảo vệ kiến trúc, phật cảnh, tài sản bên dưới; đảm bảo an toàn cho hành lang lưới điện trung thế 110kV chạy ngang, nhất là trong mùa mưa bão là hết sức cần thiết.

Việc làm của Sư cả và Ban Quản trị là hoàn toàn đúng luật đạo, luật đời, hợp với nguyên tắc an toàn xã hội. Tuy nhiên, một số bà con phật tử không rõ nội tình, vội nghe theo lời lẽ xuyên tạc, sự kích động của những đối tượng xấu đã tụ tập gây rối, ngăn cản việc đốn cây.

Việc làm trên đã ít nhiều gây dư luận không tốt trong nhân dân trên địa bàn tỉnh, gây tổn hại đến danh dự, uy tín của sư sãi, Ban Quản trị chùa và chính quyền địa phương.

Trong khi đó, đa số quần chúng nhân dân, người có uy tín trong tỉnh đều đồng tình với chủ trương sớm đốn cây Sao nhằm đảm bảo an toàn chung cho xã hội; đồng thời kịch liệt lên án hành vi sai trái của nhóm người quá khích và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mùa mưa bão đang đến, mong rằng các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn, sớm có giải pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của xã hội, không vì một vài cá nhân mà làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Bải, ảnh: PHẠM THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh