Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xung quanh vấn đề tìm ra giải pháp khi thiên tai bão lũ ngày càng dị thường, phá vỡ quy luật.
Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xung quanh vấn đề tìm ra giải pháp khi thiên tai bão lũ ngày càng dị thường, phá vỡ quy luật.
Năm nay, dự báo khả năng có bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm, trái quy luật. |
Những ngày qua, mưa lũ đổ bộ vào miền Trung và Tây Nguyên gây những hậu quả nghiêm trọng về người và của. Cụ thể đã có 4 người chết và mất tích, thiệt hại lên tới 2.300 tỉ đồng trong đợt thiên tai vừa qua. Mặt khác, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế, một áp thấp nhiệt đới có thể hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông trong ngày 7-8.4.
Ngoài ra, 2 cơn bão ở phía đông Philippines khả năng đi vào Biển Đông trong tuần tới. Đây được nhận định là tình huống bất thường, có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão sớm hơn so với quy luật hàng năm.
Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xung quanh vấn đề tìm ra giải pháp khi thiên tai ngày càng dị thường, phá vỡ quy luật.
GS.TS Phan Văn Tân phân tích về khó khăn trong việc dự báo thiên tai phạm vi hẹp. |
Thưa ông, đợt mưa lũ trái mùa tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên xảy ra ngay vào thời kỳ cuối tháng 3. Ông có những nhận định và đánh giá như thế nào?
- Tình huống này có thể gọi là bất thường hoặc hiếm gặp. Nguyên nhân chính gây thiệt hại nặng nề là người dân ở những khu vực này không thể lường trước được tính bất thường của hiện tượng đó. Tháng 3, tháng 4 theo quy luật thông thường là những tháng ôn hòa, người dân đi đánh cá rất nhiều.
Trước khi thiên tai xảy ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phát bản tin cảnh báo mưa dông kèm gió mạnh nhưng người dân hoặc địa phương nhận được thông tin có phần nào đó chưa chủ động ứng phó, gây thiệt hại lớn.
Cũng tương tự năm 2015-2016 đã cảnh báo có hạn nặng ở vùng Nam Bộ nhưng do chưa chủ động, gây thiệt hại rất lớn. Đến năm 2019-2020, hạn không nhẹ hơn nhưng thiệt hại ít hơn nhiều.
Điều đó có nghĩa việc thiệt hại hay không, ngoài tính chất của hiện tượng tự nhiên, nhân tố thiên tai thì con người phải có tính tích cực, chủ động ứng phó, phải phản ứng nhanh chóng qua các bản tin dự báo thời tiết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bản tin dự báo chưa nhấn mạnh tính chất nguy hiểm khẩn cấp khiến người dân có phần chủ quan, ý kiến của ông như thế nào?
- Tôi không cho là như vậy. Bởi vì bản thân các bản tin dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo quy trình. Các bản tin thông tin chỉ mang tính dự báo. Nếu như đúng vào mùa bão với cường độ bão mạnh thì mới cần đưa ra bản tin khẩn cấp. Trong trường hợp này, mưa gió đều không quá mạnh nhưng có tính bất thường.
Do đó theo tôi, bản tin cảnh báo dự báo đưa ra là hoàn toàn đúng quy trình, quy định của ngành. Thế còn việc người dân và chính quyền ở địa phương phản ứng như thế nào với bản tin lại là vấn đề khác.
Hiện nay còn một vấn đề là dự báo thường ở trên diện rộng, chưa cảnh báo đến từng khu vực diện hẹp hơn như thôn, xã, huyện. Điều này gây khó trong việc chủ động để ứng phó với thiên tai phạm vi hẹp. Vậy theo ông, làm thế nào để chi tiết hóa thông tin cảnh báo dự báo khi sắp có diễn biến thời tiết bất lợi ở một khu vực nào đó?
- Đúng vậy! Hiện nay các bản tin đưa ra các bản tin dự báo theo vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ bởi đây là thông tin đại chúng. Việc chi tiết từng huyện, từng xã, từng vùng còn phụ thuộc vào bản tin của các Đài khí tượng thủy văn khu vực và hiện nay mỗi địa phương đều có. Vai trò của các đài khí tượng thủy văn khu vực là chi tiết hóa các bản tin, đồng thời có thể cung cấp trực tiếp và đưa ra những thông tin cảnh báo chi tiết hơn cho các địa phương khi có dấu hiệu bất thường. Nếu như muốn có một bản tin chi tiết cho tất cả các vùng, đối tượng thì cần phải đầu tư rất lớn.
Cụ thể, trong thời gian tới, theo GS, cần đầu tư như thế nào để nâng cao năng lực cảnh báo dự báo, nhất là trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan phá vỡ quy luật?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng có hai bài toán khác nhau, một là bản tin dự báo và hai là bài toán cảnh báo những hiện tượng có quy mô nhỏ chúng ta không thể dự báo được (ví dụ như gió giật, lốc...). Phải nói thêm rằng đối với những hiện tượng quy mô nhỏ này, kể cả thế giới cũng gặp khó trong việc dự báo, cảnh báo. Khi thực hành việc cảnh báo sẽ phải có thiết bị như radar thời tiết, thậm chí là radar chuyên dụng.
Quay trở lại việc làm thế nào để nâng cao chất lượng dự báo nhất là với vấn đề thiên tai dị thường hiện nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai có thể căn cứ vào bản tin của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và nếu cần chi tiết hóa thì Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ cung cấp thêm thông tin.
Thế nhưng việc cung cấp đến cấp xã, thôn với hệ thống quan trắc hiện nay thì chưa thể làm được. Để làm được cần phải có một thời gian đầu tư dài hạn cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Ví dụ như hệ thống máy tính tính toán, nguồn lực quan trắc, nguồn nhân lực con người.
Con người là yếu tố quyết định, bởi có máy móc, có tất cả mọi thứ hiện đại nhưng không có con người thì tất cả bằng không. Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều rằng đã là ngành khí tượng thì không có nhập khẩu thông tin dự báo, nước nào thì phải tự phục vụ nước đấy. Phải nói thêm rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là một nước đang phát triển thì trình độ năng lực dự báo cảnh báo được đánh giá tương đối tốt. So với cả các nước trong khu vực ngành khí tượng Việt Nam đã có những bước tiến rất dài.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo AN AN/ Báo điện tử Lao động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin