Biện pháp ứng phó hạn, mặn phải cụ thể, xác thực

07:03, 22/03/2022

Về tình hình xâm nhập mặn và cách ứng phó trong thời gian tới, phóng viên đã có buổi phỏng vấn ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT).

 

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, mùa khô năm 2021- 2022, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ nhìn chung tương đối thuận lợi, cơ bản không bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ở ĐBSCL, xâm nhập mặn đã diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015- 2016 và 2019-2020 và một số thời điểm cao hơn so với mùa khô năm 2020- 2021. Tại Vĩnh Long, công tác chuẩn bị, ứng phó cũng được thực hiện tốt, xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Về tình hình xâm nhập mặn và cách ứng phó trong thời gian tới, phóng viên đã có buổi phỏng vấn ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT).

Ông Lưu Nhuận.
Ông Lưu Nhuận.

* Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào? Tỉnh đã có phương án ứng phó xâm nhập mặn ra sao nhằm đảm bảo đời sống, sản xuất, thưa ông?

- Từ bài học kinh nghiệm trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm qua, đặc biệt là từ mùa khô năm 2015- 2016, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2021- 2022 sớm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBT ngày 6/1/2022 thực hiện kế hoạch này.

Trong đó dự kiến đề ra các kịch bản ứng phó xâm nhập mặn và đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

* So với năm trước, dự báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn năm nay như thế nào? Dự báo thiệt hại, người dân chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ra sao, thưa ông?

- Theo nhận định các cơ quan chuyên môn, năm 2022 tiếp tục là năm ít nước trên lưu vực sông Mekong. Trong các tháng đầu mùa khô, khả năng các hồ chứa ở thượng nguồn sẽ hạn chế xả nước; do vậy, dòng chảy trên dòng chính sông Mekong sẽ giảm nhanh, lượng nước về ĐBSCL các tháng đầu mùa khô năm 2021- 2022 khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và nguy cơ thay đổi bất thường theo thực tế vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn. Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021- 2022 khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, khả năng mặn với nồng độ 4‰ xâm nhập 40- 50km trong tháng 2, từ tháng 3 nồng độ mặn 4‰ xâm nhập 50- 65km trên sông Tiền. Trên sông Hậu, nồng độ mặn thấp hơn 4‰ so với sông Tiền trong thời gian trên. Dự báo khả năng thiệt hại do hạn, và xâm nhập mặn đối với mùa khô năm 2021-2022 là không lớn.

Từ bài học kinh nghiệm trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm qua, đặc biệt là từ mùa khô năm 2015- 2016, người dân vùng bị nhiễm mặn tích cực tham gia cùng chính quyền nạo vét kinh, mương, ao, hồ, đắp đập tạm, vận hành công trình thủy lợi, tự trang bị máy bơm, dụng cụ chứa nước ngọt và kéo đường ống cấp nước sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện hạn, mặn… Nhưng vẫn còn nhiều hộ ở xa sông lớn, chưa có nước máy sử dụng hoặc ở vùng bị nhiễm mặn kéo dài cũng được cần hỗ trợ trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp vẫn còn đứng trước nhiều thách thức về dịch bệnh, xâm nhập mặn, giá phân bón,... Trong ảnh: Những ngày qua, cống Vũng Liêm được vận hành phù hợp, kịp thời để ngăn mặn, trữ ngọt.
Ngành nông nghiệp vẫn còn đứng trước nhiều thách thức về dịch bệnh, xâm nhập mặn, giá phân bón,... Trong ảnh: Những ngày qua, cống Vũng Liêm được vận hành phù hợp, kịp thời để ngăn mặn, trữ ngọt.

* Dự báo tình hình xâm nhập mặn có thể kéo dài, ngành nông nghiệp có những giải pháp cụ thể nào để thích nghi?

- Ngành chức năng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Khuyến cáo người dân trữ nước ngọt trong ao, hồ, kinh mương để phòng hạn, mặn; chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước hơn, như rau màu thay cho trồng lúa trong mùa khô.

Đồng thời, tổ chức đo mặn, phối hợp với tỉnh giáp ranh Trà Vinh về thông tin tình hình xâm nhập mặn để thông báo rộng rãi đến người dân là một trong những biệp pháp giúp người dân tránh được thiệt hại mà 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã thực hiện trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các địa phương cần lập kế hoạch thủy lợi mùa khô, thủy lợi chống hạn, mặn cụ thể, xác thực với tình hình của địa phương. Những nơi đã thu hoạch xong lúa Đông Xuân, rà soát những công trình thủy lợi có đủ điều kiện triển khai thi công ngay kết hợp huy động lao động tại chỗ làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kinh, mương để tạo nguồn nước tưới và cấp nước sinh hoạt cho dân ở
nội đồng.

Trong sản xuất vụ Hè Thu, các địa phương và bà con nông dân cần xem xét những vùng khó khăn về nước tưới, vùng đất gò cao, xa sông lớn và thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình hạn, mặn trên các phương tiện thông tin và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn huyện, thành phố gần nhất để bố trí cây trồng, vật nuôi và có kế hoạch chống hạn- mặn cho phù hợp, bảo vệ sản xuất.

* Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYÊN KHANG (thực hiện)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh