Bình Hòa Phước ứng phó hạn mặn

12:03, 08/03/2022

Dự báo hạn mặn trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) nơi từng bị mặn bất ngờ và phần lớn diện tích cây ăn trái mẫn cảm với độ mặn- địa phương triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước và để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa hạn, mặn.

(VLO) Dự báo hạn mặn trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) nơi từng bị mặn bất ngờ và phần lớn diện tích cây ăn trái mẫn cảm với độ mặn- địa phương triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước và để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa hạn, mặn.

Để bảo vệ cây ăn trái, người dân nạo vét kinh, mương để trữ nước, tưới nhỏ giọt, đấp gốc cây,… để hạn chế thoát nước, giữ độ ẩm cho cây.
Để bảo vệ cây ăn trái, người dân nạo vét kinh, mương để trữ nước, tưới nhỏ giọt, đấp gốc cây,… để hạn chế thoát nước, giữ độ ẩm cho cây.

Chủ động ứng phó từ rất sớm

Xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) là nơi từng bị xâm nhập mặn “đánh úp” bất ngờ đợt mặn 2019- 2020, khiến người dân, nhà vườn trở tay không kịp, dẫn đến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng, trong đó các vườn cây ăn trái thiệt hại nhiều nhất.

Vậy nên, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, người dân đã sớm có biện pháp ứng phó, không lơ là, chủ quan dù đến thời điểm này mặn vẫn chưa lấn tới.

Là ấp có 70% là trồng chôm chôm, anh Nguyễn Văn Phước- Trưởng ấp Bình Hòa 1, cho hay: Diện tích nông nghiệp của ấp phần lớn là trồng chôm chôm, còn lại là sầu riêng và một số loại cây trồng khác. Trong đó, sầu riêng và chôm chôm rất mẫn cảm với độ mặn.

Từ đợt ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng lần trước, người dân đã ý thức, chủ động hơn rất nhiều. Bên cạnh sự vận động của xã, người dân cũng tự nạo vét kinh, mương, để trữ nước. Những vườn có diện tích rộng còn tự đào ao để trữ nước thêm.

Ý thức được tầm quan trọng của việc phòng chống hạn mặn để bảo vệ sản xuất, chị Trương Thị Mỹ Hằng (ấp Bình Hòa 1), cho hay: “Vườn tôi có 30 công trồng chôm chôm, nhãn, mít,… Đợt hạn mặn năm 2019- 2020 vườn tôi bị ảnh hưởng nhiều, cây giảm năng suất, chất lượng.

Do đó, năm nay tôi chủ động hơn, bên cạnh theo dõi độ mặn hàng ngày, tôi cũng đã đào ao với diện tích 2 công để trữ nước ngọt. Khi nào mặn lên là có nước tưới cây”.

Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho hay: Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước, địa phương hết sức cảnh giác.

Theo dự báo, hiện gió chướng đang thổi rất mạnh nên có thể độ mặn sẽ lên cao. Hiện diện tích đất nông nghiệp của xã chủ yếu trồng cây ăn trái là chôm chôm, sầu riêng, nhãn,… và một số hộ nuôi cá tra dạng công nghiệp và lồng bè.

Đây đều là loại dễ bị tác động bởi nước mặn. Nên địa phương lẫn người dân chú trọng phòng chống hạn mặn để bảo vệ sản xuất.

Phát huy hiệu quả công trình

Việc đo độ mặn được thực hiện, cập nhật mỗi ngày để kịp thời cảnh báo đến người dân.
Việc đo độ mặn được thực hiện, cập nhật mỗi ngày để kịp thời cảnh báo đến người dân.

Để ứng phó hạn mặn, huyện đã đầu tư cho xã một số công trình nạo vét, trữ nước ngọt, như cống hở Rạch Dinh, cống Tư Quới, kinh Vòng Đai, kinh Bảy Bụng. Sau khi đưa vào sử dụng các công trình hoạt động hiệu quả. Mỗi công trình góp phần bảo vệ 50- 100ha sản xuất.

Bên cạnh đó, xã cũng vận động người dân nạo vét kinh rạch nhỏ, thủy lợi nội đồng, để khi độ mặn lên cao, đóng cống, người dân có thể trữ ngọt, phục vụ sản xuất.

Xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân các biện pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất như tưới nhỏ giọt, đấp gốc bằng lục bình, cỏ,… để hạn chế thoát nước, giữ độ ẩm cho cây,…

“Mỗi ấp đều được trang bị máy đo độ mặn, cập nhật độ mặn hàng ngày để thông báo đến người dân. Theo dự báo trong tháng 3 mặn sẽ lên cao hơn nên người dân đã có tâm thế chủ động từ rất sớm”- ông Cảnh cho biết thêm.

Có 5 ao nuôi cá tra dọc sông Tiền, gần trạm quan trắc, cảnh báo độ mặn, anh Trần Trọng Tấn (ấp Phước Định 2), cho hay: “Tôi cũng chủ động theo dõi độ mặn mỗi ngày để bảo vệ ao cá, không để bị mặn xâm nhập. Nhờ có các công trình phòng chống hạn mặn, trạm đo mặn kế bên mà tôi cập nhật kịp thời, thời gian qua ao cá của tôi luôn được bảo vệ”.

Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ Nguyễn Văn Phước, cho hay: Trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, sản xuất nông nghiệp có thể ảnh hưởng.

Do đó, để phòng chống hạn, mặn hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường công tác ứng phó, tăng cường khuyến cáo đến người dân. Bên cạnh đó, đã lập nhóm Zalo cập nhật thông tin hạn mặn kịp thời từ xã đến ấp.

Đồng thời, theo dõi sát sao thông tin hạn mặn phía địa phận giáp Bến Tre, nếu độ mặn lên cao sẽ tiến hành xây đập dã chiến ở xã Bình Hòa Phước.

“Bên cạnh các giải pháp, khuyến cáo của ngành chức năng, địa phương, thì người dân, nhà vườn cần phải chủ động ứng phó bằng cách kịp thời đóng cống ngăn mặn, tránh cho nước mặn vào ao vườn cây ăn trái, tranh thủ dự trữ nước ngọt khi được ngành chuyên môn khuyến cáo có nước ngọt; sử dụng công nghệ tưới phun tự động hay lót bạt trong mương nhằm trữ nước ngọt hiệu quả nhất…

Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi độ mặn, kịp thời khuyến cáo về việc sản xuất các loại cây trồng, cây ăn trái để giảm thấp nhất thiệt hại nếu hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong thời gian tới”- ông Phước khuyến cáo.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh