Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được xem là "điểm tựa" của người LĐ khi họ không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết đây là chế độ bắt buộc đối với người sử dụng LĐ để đảm bảo quyền lợi mà người LĐ được thụ hưởng.
(VLO) Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được xem là “điểm tựa” của người LĐ khi họ không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết đây là chế độ bắt buộc đối với người sử dụng LĐ để đảm bảo quyền lợi mà người LĐ được thụ hưởng.
* Xin bà cho biết đôi nét về bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng như những đối tượng được thụ hưởng?
- TNLĐ luôn là nguy cơ tồn tại thường trực đối với người LĐ trong quá trình trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất. Hậu quả của TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người LĐ mà còn làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị tác động bởi chi phí bồi thường.
Nhằm bảo đảm đời sống cho những LĐ chẳng may bị TNLĐ, BNN thì người sử dụng LĐ bắt buộc phải đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người LĐ. Ở Vĩnh Long, việc thực hiện chế độ này luôn được giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ.
Về đối tượng thụ hưởng, người LĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ này khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
* Vậy điều kiện để người LĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ này là gì, thưa bà?
- Người LĐ được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật LĐ và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng LĐ hoặc người được người sử dụng LĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý LĐ; trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc các trường hợp quy định.
Người LĐ được hưởng chế độ BNN khi có đủ các điều kiện: bị BNN thuộc danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị BNN theo quy định. Ngoài ra, người LĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN thuộc danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị BNN trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
* Trường hợp không may xảy ra TNLĐ, người sử dụng LĐ phải có trách nhiệm gì để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ, thưa bà?
- Khi chẳng may xảy ra TNLĐ, người sử dụng LĐ phải có các trách nhiệm sau đối với người LĐ: kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người LĐ bị TNLĐ và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; trả đủ tiền lương cho người LĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng LĐ; bồi thường cho người bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người LĐ bị BNN; trợ cấp cho người bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định; giới thiệu để người LĐ được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng LĐ, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng LĐ theo quy định pháp luật; thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị TNLĐ, BNN trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của hội đồng Giám định y khoa về mức suy giảm khả năng LĐ hoặc kể từ ngày đoàn điều tra TNLĐ công bố biên bản điều tra đối với các vụ TNLĐ chết người; sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của hội đồng giám định y khoa đối với người LĐ sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ, BNN từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định; tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người LĐ nghỉ việc do bị TNLĐ, BNN bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về LĐ.
* Trân trọng cảm ơn bà!
PHẠM PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin