Xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội

09:02, 24/02/2022

Ngày 23/2/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Long sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TU ngày 7/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2016- 2020 (sau đây gọi là xuất khẩu lao động- XKLĐ).

 

Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy phái cử cho các thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản (hồi tháng 9/2019).
Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy phái cử cho các thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản (hồi tháng 9/2019).

Ngày 23/2/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Long sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TU ngày 7/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2016- 2020 (sau đây gọi là xuất khẩu lao động- XKLĐ).

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU đã góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, mang ngoại tệ về và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Đồng thời tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) tiếp xúc, học tập, trang bị thêm về chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, giao lưu văn hóa... góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của đất nước và tỉnh nhà.

Nhiều kết quả từ công tác XKLĐ

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoạt động quan trọng được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát nhằm góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho NLĐ, tăng nguồn thu ngoại tệ cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ngày 8/5/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16 nhằm nâng cao hiệu quả công tác đưa NLĐ và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Đảng bộ tỉnh cũng xác định, công tác XKLĐ không chỉ là kênh giải quyết việc làm, giảm nghèo mà còn là chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội... Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08 về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2016- 2020 và nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động ở các địa phương được tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Đến nay, nhiều địa bàn đã đạt được kết quả ghi nhận trong triển khai thực hiện Chỉ thị 08. Ông Trương Kế Truyền- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn- cho biết, 5 năm qua huyện có 1.137 NLĐ tham gia XKLĐ (gồm lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ và lao động khác), đạt hơn 117% theo nghị quyết nhiệm kỳ của huyện.

Long Hồ cũng xác định XKLĐ là con đường ngắn nhất để thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Ông Nguyễn Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho biết trong 5 năm qua huyện đã vận động đưa 828 lao động đi XKLĐ, kết quả hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tương tự, theo ông Trần Công Khánh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, giai đoạn 2016-2020, huyện đã có 919 lao động đi XKLĐ. Cũng tăng đều qua từng năm, riêng năm 2020 tuy đạt thấp hơn nhưng địa phương cũng đưa 260 NLĐ tham gia XKLĐ, đạt 173% kế hoạch.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, tổng số lao động tỉnh đi XKLĐ (từ năm 2016 đến 30/6/2021) là 6.329 người; có 1.364 người vay vốn hỗ trợ XKLĐ với hơn 108 tỷ đồng. Tuy nhiên từ năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19, công tác XKLĐ gặp rất nhiều khó khăn, số người tham gia giảm đáng kể (năm 2019 có 1.715 người; năm 2020 có 815 người; năm 2021 có 546 người).

Đẩy mạnh XKLĐ trong thời gian tới

Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp XKLĐ đến hoạt động và tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ tại địa phương theo nhu cầu của thị trường lao động. Đến nay có 47 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo nghề và XKLĐ. Bà Lý Ngọc Điệp- Công ty TNHH Cung ứng lao động MEKONG- cho biết, tỉnh đã tạo điều kiện rất tốt để đơn vị đồng hành, hỗ trợ NLĐ tỉnh và cung ứng nguồn lao động đi XKLĐ trong những năm qua.

Bà Lý Thị Hương- Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (MITACO)- đã đề xuất tăng cường phối hợp giữa các đơn vị XKLĐ với các sở ngành, chính quyền để tuyên truyền thông tin kịp thời, rộng rãi tới NLĐ có nhu cầu XKLĐ, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các thị trường lao động tới đây mở cửa trở lại.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản trên 86%, Đài Loan khoảng 10%, các nước khác khoảng 4%. Đặc biệt, từ Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh Vĩnh Long, thì NLĐ tỉnh đăng ký XKLĐ hàng năm tăng lên rõ rệt, cụ thể: năm 2017 là 1.008 lao động; năm 2018 là 1.574 lao động; năm 2019 là 1.715 lao động.

Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long- khi NLĐ tham gia XKLĐ tăng thì nhu cầu vay vốn hỗ trợ XKLĐ cũng tăng; như năm 2017 là 17 tỷ đồng, năm 2018 hơn 33 tỷ đồng và năm kế tiếp 40 tỷ đồng. Dịch bệnh COVID-19, XKLĐ gặp khó khăn nhưng năm 2020, đơn vị đã giải ngân 20 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ vay vốn XKLĐ. Cho rằng nhu cầu XKLĐ vẫn cao, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành để thực hiện tốt chính sách cho vay vốn XKLĐ trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Tỉnh ủy đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đề xuất của các sở ngành, doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương về công tác đưa NLĐ đi XKLĐ. Đồng chí Nguyễn Thành Thế cho rằng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08/CT-TU, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trên địa bàn đối với công tác XKLĐ ngày càng được nâng cao.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thành Thế yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành và tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó tiếp tục quán triệt đi vào chiều sâu và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giải quyết việc làm và XKLĐ; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, đóng góp ngân sách, nâng cao đời sống NLĐ.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chế độ, chính sách, quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt, thu nhập của NLĐ đi XKLĐ; chú trọng vận động NLĐ tham gia các ngành nghề có thể tự tạo việc làm, ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu sau khi về nước. Nghiên cứu, vận dụng các chính sách để hỗ trợ đưa NLĐ đi XKLĐ; có chỉ tiêu, kế hoạch định hướng thị trường, chính sách sử dụng lao động sau khi hết hợp đồng trở về nước để sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của NLĐ làm việc ở các nước...

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh