Tập trung ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất

08:02, 25/02/2022

Để đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong mùa khô năm 2021- 2022 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.

 

 

Tam Bình đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi.
Tam Bình đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi.

Để đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong mùa khô năm 2021- 2022 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Chủ động không chủ quan

Theo dự báo của ngành chức năng, hạn mặn sẽ còn diễn ra vào tháng 3- 4 tới. Các địa phương đã và đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó. Theo đó, UBND huyện Tam Bình đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2021- 2022.

Huyện cũng đã xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021- 2022. Theo đó, đưa ra 3 phương án phòng chống hạn, mặn xâm nhập. Cụ thể: trường hợp xâm nhập mặn nhẹ, mực nước sông, rạch sụt giảm nhẹ; trường hợp xâm nhập mặn cao, mực nước sông, rạch sụt giảm mạnh và độ mặn vượt mức 3‰ và trường hợp xâm nhập mặn rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019- 2020, mực nước sông, rạch sụt giảm mạnh và độ mặn vượt mức báo động 5‰.

Mục tiêu kế hoạch nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2021- 2022 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện. Đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa Đông Xuân, Hè Thu (đã xuống giống), trong đó, có gần 13.200ha lúa; 6.750ha màu và 9.200ha vườn cây ăn trái, đủ cung cấp nước ngọt phục vụ nuôi thủy sản với 780ha. Đồng thời, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho số dân trong huyện, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Song song với việc thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến các xã; vận động người dân phối hợp với chính quyền khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, huyện còn tập trung duy tu, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi, nhất là các xã nằm ven sông Hậu và sông Măng Thít bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, thị trấn Tam Bình, Tường Lộc, Hòa Hiệp, Hòa Thạnh, Hòa Lộc, Mỹ Thạnh Trung để ngăn mặn, trữ nước và tiếp nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước cấp cho sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, cho biết: Theo dự báo, sẽ có 2 hướng xâm nhập mặn vào huyện là sông Hậu và hướng sông Măng Thít. Tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, thời điểm này độ mặn chưa lên cao, chưa ghi nhận thiệt hại. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã có nhiều phương án phòng, chống, tích trữ nước và làm tốt thủy lợi nội đồng.

“Đồng thời, phòng cũng phối hợp tiến hành quan trắc mặn, thông báo số liệu mặn hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động kiểm tra nguồn nước phục vụ sản xuất, kiểm tra tình hình nguồn nước, vận hành các cống, tranh thủ lấy nước vào khi nồng độ mặn cho phép”- bà Hiền cho biết thêm.

Né mặn, bảo vệ sản xuất

Theo đánh giá của ngành chức năng, các giải pháp phòng, chống hạn mặn chỉ là một phần, quan trọng vẫn là sự chủ động của người dân. Thời gian qua, bên cạnh việc cảnh báo sớm, địa phương vào cuộc sớm thì rút kinh nghiệm từ các đợt ảnh hưởng, thiệt hại do hạn mặn những năm trước người dân đã chủ động hơn rất nhiều.

Vừa thu hoạch xong 5 công ruộng vụ Đông Xuân để né mặn, anh Lê Văn Chinh (xã Hậu Lộc- Tam Bình), cho hay: “Nhờ có dự báo của ngành nông nghiệp địa phương, tôi xuống giống sớm, nhờ vậy thu hoạch sớm, thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá cũng ổn định nên vụ này lời khá”.

Có 10 công trồng cam, chú Nguyễn Văn Tấn (xã Hòa Lộc- Tam Bình), cho biết: “Mấy năm trước mặn xâm nhập sâu nên tôi trở tay không kịp, làm vườn cam bị ảnh hưởng. 2 năm nay, tôi chủ động theo sát thông tin hạn mặn hơn, trữ nước, vét mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn cam”.

Chuẩn bị thu hoạch 7 công ruộng vụ Đông Xuân, anh Phạm Văn Thi (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), cho hay: “Do là vùng nằm dọc theo sông Măng nên nguy cơ ảnh hưởng mặn cao. Năm trước sạ trễ nên lúa bị ảnh hưởng của mặn, khiến lúa bị lép khoảng 10%. Năm nay, rút kinh nghiệm, theo khuyến cáo của ngành chức năng, tôi sạ sớm, đồng thời nạo vét kinh rạch, trữ nước, đóng cống bộng kịp thời khi có thông báo độ mặn lên. Vụ này, lúa chắc, ước năng suất 35- 40 giạ/ công”.

Nông dân chủ động xuống giống sớm, thu hoạch sớm vụ Đông Xuân để né mặn.
Nông dân chủ động xuống giống sớm, thu hoạch sớm vụ Đông Xuân để né mặn.

Đến thời điểm này, nhiều nông dân cho rằng, mặn ít gay gắt hơn năm trước, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Theo đó, địa phương lẫn người dân luôn trong tâm thế chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, đặc biệt là xuống giống vụ Hè Thu để né hạn mặn, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng và tác động của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn cho các vụ lúa, rau màu kế tiếp.

Về bố trí lịch thời vụ để né mặn, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cho biết: Đối với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo sản xuất 2 vụ/năm, còn vụ Đông Xuân và Hè Thu, khi đó sẽ giãn thời gian xuống giống giữa 2 vụ, để có thể vừa né mặn, vừa né lũ. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác như: phủ gốc, tưới tiết kiệm nước để ứng phó hạn mặn... Thời gian qua, người dân cũng đã chủ động ứng phó hạn mặn và tuân thủ theo khuyến cáo, lịch xuống giống của địa phương. Từ đó, giúp bảo vệ sản xuất hiệu quả hơn.

Năm 2022, huyện Tam Bình thực hiện 15 công trình thủy lợi, trong đó 14 công trình nâng cấp bờ bao và nạo vét, 1 công trình kiên cố hóa cống đập. Đến nay đã khảo sát lập thiết kế dự toán 15 công trình.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh