Sẵn sàng các kịch bản ứng phó hạn, mặn

06:02, 22/02/2022

Ý thức được hậu quả của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm trước, ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị công tác ứng phó với tình trạng này trong mùa khô năm 2021- 2022 nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân nhất là ở vùng nông thôn.

 

Thi công công trình thủy lợi ứng phó hạn, mặn.
Thi công công trình thủy lợi ứng phó hạn, mặn.

Ý thức được hậu quả của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm trước, ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị công tác ứng phó với tình trạng này trong mùa khô năm 2021- 2022 nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân nhất là ở vùng nông thôn.

Ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp- PTNT), từ tháng 6 đến tháng 8/2021, mưa ở lưu vực sông Mekong thiếu hụt hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 12%, lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long rất nhỏ (đỉnh lũ tại Tân Châu từ 2,8- 3,1m).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2021- 2022 có thể đến sớm hơn TBNN 1 tháng, nhưng muộn hơn gần 25- 30 ngày, khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sông nhân dân. Trong tháng 1 và 2/2022, ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập vào đất liền đến 50- 65km, nếu thượng lưu hạn chế xả nước có thể làm mặn xâm nhập sâu đến 55- 70km (cao hơn năm 2020 từ 5-7km).

Tuy nhiên trong mùa khô, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn, vì vậy cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường có thể xảy ra.

Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, ngày 6/1/2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2021- 2022 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đưa ra 3 kịch bản xâm nhập mặn xảy ra, trong đó chọn kịch bản 3 (trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô năm 2019- 2020) để đề ra các biện pháp công trình và phi công trình ứng phó hạn, mặn.

Với kịch bản này, dự báo trên sông Hậu, ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km. Trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (Mang Thít)- cách cửa biển 70km. Phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)- cách cửa biển khoảng 90km. Xâm nhập mặn dự báo kéo dài đến tận tháng 5. Số huyện bị ảnh hưởng biên mặn từ 1- 10‰ là 6 huyện, thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long).

Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn gần 67.300ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước gần 95.000ha. Bên cạnh đó có khả năng có hơn 75.700 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Về giải pháp công trình ứng phó xâm nhập mặn xảy ra với kịch bản 3, kế hoạch dự kiến triển khai thực hiện 26 công trình, dự án thủy lợi, cấp nước sạch, mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng hạn, mặn và hỗ trợ nước tưới cho vườn cây ăn trái, hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện huy động để cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt với kinh phí cần đầu tư trên 1.151 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các sở, ngành tỉnh và ban, ngành cấp huyện, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự, công an để tham gia ứng phó tình huống hạn, mặn gay gắt xảy ra theo kịch bản đã định. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì thực hiện kế hoạch này.

…Vẫn còn khó khăn nếu kịch bản 3 xảy ra

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, mặc dù công tác ứng phó với hạn, mặn của tỉnh trong thời gian qua đã đạt những thành tựu đáng kể nhờ vào từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, giao thông, nước sạch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và ý thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ngày một nâng cao,…

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn trong việc trữ nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khi xâm nhập mặn xảy ra gay gắt như trong mùa khô năm 2019- 2020, nhất là địa phương mới bị xâm nhập mặn cao do khả năng trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch và cống đập hiện có còn hạn chế.

Hiện tại, việc trữ nước trên địa bàn tỉnh chỉ nhờ vào những kinh, rạch nội đồng trong vùng ô đê bao, còn kinh, rạch ngoài vùng đê bao phần lớn còn hở, không trữ được, triều xuống là nước rút hết. Nhưng kinh, rạch trong nội đồng phần lớn là kinh nhỏ, nên lượng nước ngọt trữ rất hạn chế, chỉ có thể sử dụng để tưới, cho sinh hoạt được trong vòng 7- 10 ngày. Nếu thời gian đóng cống ngăn mặn kéo dài hơn từ 15- 30 ngày thì nước không đủ dùng hoặc bị ô nhiễm.

Những năm gần đây, nhờ đầu tư của Bộ Nông nghiệp- PTNT kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, một số cống lớn có diện tích phục vụ từ vài ngàn đến vài chục ngàn héc ta, trữ được lượng nước khá lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và ở vùng Nam Mang Thít như các cống: Vũng Liêm, Tân Dinh, Cái Hóp, Nàng Âm, Cái Tôm.

Tuy nhiên, việc trữ nước của các cống lớn này cũng chưa kín, vì nước có thể theo các kinh, rạch chưa có cống thoát ra sông Măng Thít, sông Hậu hoặc đi thẳng xuống Trà Vinh. Bên cạnh đó, ở vùng Nam Mang Thít vẫn còn các vàm sông, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn, nên nước mặn vẫn còn thâm nhập vào nội vùng.

Tại kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm nay, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.096 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án thủy lợi tạo nguồn cấp nước tưới phục vụ phòng chống hạn, mặn; 4 công trình nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước và xây dựng 2 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn, mặn. Phần còn lại do vốn tỉnh, cấp huyện và các đơn vị cấp nước tự đầu tư.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh