Trước lo lắng về nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 với nhóm trẻ 5- 11 tuổi khi trở lại trường học trong bối cảnh chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng- Bệnh viện Nhi Trung ương đang công tác tại Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề phòng ngừa cho trẻ và cách ứng phó khi trẻ chẳng may bị mắc COVID-19.
Trước lo lắng về nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 với nhóm trẻ 5- 11 tuổi khi trở lại trường học trong bối cảnh chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng- Bệnh viện Nhi Trung ương đang công tác tại Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề phòng ngừa cho trẻ và cách ứng phó khi trẻ chẳng may bị mắc COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng. |
* Thưa bác sĩ, nhóm trẻ dưới 12 tuổi trở lại trường học khi chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thì phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc COVID-19?
- Trước khi con em đến trường, cha mẹ, thầy cô giáo cần phải hướng dẫn cho trẻ những biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh. Theo đó, nhắc trẻ đeo khẩu trang, đặc biệt là hạn chế tụ tập đông người trong giờ ra chơi và hoạt động ngoại khóa. Ngoài việc vệ sinh tay và đeo khẩu trang ra, việc nâng cao thể trạng cho con trẻ là rất quan trọng, đặc biệt là nhắc trẻ uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng, ăn rau, trái cây.
* Nếu chẳng may trẻ mắc COVID-19, thì phụ huynh cần theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ ra sao và những chỉ số như thế nào được cho là tạm ổn để điều trị trẻ tại nhà, thưa bác sĩ?
- Việc cho con trẻ đi học thì không thể tránh được mắc COVID-19, song cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ thành F0. Theo thống kê và kinh nghiệm của tôi và các nghiên cứu, thì trẻ em khả năng hồi phục tốt và không để lại di chứng nhiều. Đặc biệt, nếu trẻ bị F0 thì cần theo dõi toàn trạng trẻ, xem trẻ có tỉnh táo, chơi ngoan, hợp tác tốt nói chuyện với gia đình không.
Ngoài ra, các chỉ số về hô hấp tim mạch rất quan trọng trẻ có thở nhanh, có đau ngực khó thở không và quan sát môi trẻ có còn trạng thái bình thường không. Nếu trẻ có bất thường thì đưa đến cơ sở sớm nhất. Ví dụ như trẻ than khó thở, đau ngực ăn uống giảm sút so với thông thường đó là dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để đánh giá phân loại, chúng ta cho trẻ uống nhiều nước, trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định, ăn thức ăn mềm dễ tiêu, đặc biệt môi trường thoáng khí mở cửa và vệ sinh sạch xung quanh là điều kiện để con trẻ hồi phục nhanh nhất.
* Bác sĩ có lưu ý và lời khuyên gì để phụ huynh yên tâm khi trẻ trở lại học trực tiếp tại trường?
- Các nghiên cứu đưa ra tỷ kệ mắc COVID-19 ở trẻ em cũng rất nhiều nhưng cá nhân tôi điều trị tại ICU Vĩnh Long trong thời gian 2 tháng qua thì chưa thấy trẻ khỏe mạnh bình thường nhập viện. ICU Vĩnh Long chỉ ghi nhận 2 trường hợp trẻ dưới 17 tuổi phải nhập viện trên nền bệnh nhân trẻ chậm phát triển. 2 bệnh nhân đó vào thì chỉ hỗ trợ oxy mức độ nhẹ và ra viện sau 5- 7 ngày. Đó là con số cụ thể tại Vĩnh Long, phụ huynh có thể phần nào yên tâm cho con trẻ đến trường.
Về việc ứng phó với dịch bệnh khi trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp như: Trẻ cần được tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng: dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì. Với các trẻ có bệnh mạn tính, trẻ cần được kiểm soát tốt các bệnh này. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay theo hướng dẫn; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; bỏ rác thải đúng nơi quy định…
Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.
* Xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.
Giữ an toàn cho trẻ khi đi học trực tiếp.Ảnh: THÚY QUYÊN |
Cha mẹ có thể căn cứ vào các chỉ số sau để quan sát nhịp thở của trẻ:
- Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường dưới 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2- 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 50 lần/phút.
- Trẻ trên 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 40 lần/phút.
- Trẻ trên 5 tuổi thở nhanh khi trên 30 lần/phút.
- Trẻ trên 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn. |
THÚY QUYÊN (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin