Nông thôn đón xuân trong bối cảnh mới

04:02, 01/02/2022

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Vì vậy, người dân nông thôn vui xuân, đón tết có phần tươm tất hơn so với trước.

 

Diện mạo nông thôn ngày càng đẹp hơn.
Diện mạo nông thôn ngày càng đẹp hơn.

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Vì vậy, người dân nông thôn vui xuân, đón tết có phần tươm tất hơn so với trước.

Giờ đây, khi cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chuyện vui xuân, đón tết của bà con ít nhiều có sự thay đổi. Tuy không tưng bừng, rộn ràng, nhưng rất ấm cúng vì gia đình quây quần bên nhau.

Vui xuân không quên công việc

Bên tách trà nóng hổi cùng chiếc bánh ống nhà làm giòn rụm, chúng tôi được nghe câu chuyện ăn tết của người dân quê. Mỗi nơi, mỗi nhà có cách đón tết khác nhau, nhưng đều rất thân thương, đầm ấm. Ai nấy đều mong chờ năm mới với sự khởi đầu tươi đẹp hơn.

Nhiều hộ trồng hoa, cây dọc lối vào nhà khá đẹp mắt.
Nhiều hộ trồng hoa, cây dọc lối vào nhà khá đẹp mắt.

Gắn bó với nghề trồng rẫy hơn 20 năm, thấy nhiều nơi trồng rau trong nhà lưới khá hiệu quả, chị Nguyễn Thị Kim Chi- ấp Mướp Sát (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) là người tiên phong ở địa phương đầu tư nhà lưới cho 500m2 đất rẫy. Chị cho biết: trồng rau trong nhà lưới thấy rau đẹp, ngon, không có bị hư, ít cỏ, ít tốn phân, thuốc, nắng mưa không bị hư giập…

Hiện, với khoảng 1,5 công rẫy trồng rau má, cần ống, húng lủi, cải ngọt… ngày nào gia đình chị Chi cũng cắt rau đem bỏ mối tại chợ, khi nhiều thì bán được 500.000 đ/ngày, ít thì 200.000 đ/ngày. Ngày tết cũng vậy, chiều tối thu hoạch rau, 3 giờ sáng đem đi bỏ mối rồi anh chị về đón xuân cùng người thân lại có thêm tiền rủng rỉnh.

Cùng ngụ ấp Mướp Sát, năm nào tới 29 tháng Chạp ông Nguyễn Văn Bé cũng ra thăm cánh đồng lúa giống của mình. Lối Mùng 2, Mùng 3 Tết khi bạn bè tới chơi là ông rủ mọi người cùng… ra thăm đồng, “thông thường tui không vắng đồng quá lâu, mình ra coi có vấn đề gì thì xử lý kịp thời”- ông Bé nói.

Tận dụng thời gian thăm đồng, ông cùng mọi người bàn tính trong năm mới nên trồng lúa gì thuận, thời tiết năm nay nên ưu tiên sản xuất giống lúa gì… “Ngày tết cũng là dịp để nông dân chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm làm nông, chúc nhau năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt”- ông Bé cười tươi.

Tại cơ sở may gia công Thanh Tuyền, ngày tết vẫn mở cửa để nhân công có thể tới làm lấy ngày và có thêm thu nhập.
Tại cơ sở may gia công Thanh Tuyền, ngày tết vẫn mở cửa để nhân công có thể tới làm lấy ngày và có thêm thu nhập.

Tại cơ sở may gia công Thanh Tuyền- Ấp 5 (xã Hậu Lộc- Tam Bình), ngày tết nếu nhân công muốn làm thì vẫn có thể tới cơ sở làm lấy may luôn.

“Như vậy, cơ sở khỏi phải khai trương mà người lao động có thêm thu nhập vì hàng lúc nào cũng có sẵn và người dân nông thôn mình hễ thấy có việc thì cứ làm”- chị Trần Thị Ngọc Tuyền nói và cho rằng: điều quan trọng là đảm bảo giãn cách và phòng dịch khi vừa ăn tết vừa làm việc.

Bà Trương Thị Nương- mẹ chị Tuyền cho biết, quê bà ở Bến Tre, bà tới xã Hậu Lộc sống khoảng chục năm nay. Từ khi xã xây dựng NTM rồi NTM nâng cao đời sống người dân đã khá hơn trước rất nhiều, nhờ có việc làm, có thêm thu nhập nên ăn tết cũng đầy đủ, tươm tất hơn xưa.

Đón tết đầm ấm

Để có thêm thu nhập ngày tết, năm nào gia đình chị Chi cũng trồng hơn 500 chậu hoa cúc Đà Lạt, cúc vạn thọ để bỏ mối hoặc bán cho khách mua tại nhà. Với vườn mai sẵn có, ngày tết vợ chồng chị vô chậu hoặc cắt nhánh đem bán, “có thêm thu nhập ăn tết cũng ấm hơn”- chị Chi cười tươi.

Trước đây, cuộc sống gia đình chị Chi rất khó khăn, nhưng từ khi con trai chị đi lao động nước ngoài về đã cất được căn nhà khang trang và mua được 8 công ruộng. Hai năm nay, con trai chị Chi mở tiệm bán thuốc Bắc. Kinh tế khá hơn nên gia đình chị ăn tết cũng sung túc hơn.

Vươn lên nhờ làm lúa giống, nên gia đình ông Bé ăn tết khá tươm tất. Tết năm nay, vợ chồng ông trồng 100 cây hoa vạn thọ để tặng người thân và trưng bày khắp nhà. Chuẩn bị tết, ông hốt 60 con vịt về nuôi, cá thì có sẵn trong mương vườn. Gia đình ông còn tự làm lạp xưởng, khô cá lóc, cá chạch… kèm theo đó là dưa kiệu, dưa cải.

Gắn với nghề sản xuất lúa giống, ngày tết, ông Bé (bìa phải) thường rủ bạn bè ra thăm đồng để chia sẻ kinh nghiệm.
Gắn với nghề sản xuất lúa giống, ngày tết, ông Bé (bìa phải) thường rủ bạn bè ra thăm đồng để chia sẻ kinh nghiệm.

Sẵn cây nhà lá vườn, vợ chồng ông Bé lựa 6 trái dừa “cứng nạo” để dành làm mứt. Ông bà còn chọn những nải chuối chín đều để làm mứt chuối. Ông Bé vui vẻ cho biết, mua ở chợ nhiều khi khẩu vị không hợp, mình làm theo ý mình là ngon nhất.

Chủ yếu ở nông thôn tết này là “tự cung, tự cấp”, chỉ ra chợ mua thêm chút đỉnh. Trước đây, người dân quê đi chợ tết chủ yếu là mua thèo lèo, dưa hấu… nhưng giờ bánh trái có quanh năm. Thôn quê mình ăn tết có xu hướng trở lại ngày xưa, hầu hết các món ăn đều là “món nhà làm, rất hợp khẩu vị và đầm ấm”.

Bà Trương Thị Hồng Thắm- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bà con vui xuân đón tết với tinh thần tiết kiệm là chính, tuy không rộn ràng nhưng rất ấm cúng vì người dân hạn chế ra đường mà chủ yếu quây quần bên gia đình.

Đa phần người dân tranh thủ tự trồng bông, mỗi hộ chỉ cần trồng vài chục cây bông là đã đủ chưng tết. “Nhà tôi năm nay cũng trồng 20 cây vạn thọ, vì đã có rồi nên không mua hoa nhiều nữa”- Bí thư Đảng ủy xã cười tươi và cho biết: Thông qua chương trình xây dựng xã NTM, NTM nâng cao và xây ấp NTM kiểu mẫu mà phong trào trồng hoa trước nhà được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, ngày thường người dân đã mua hoa về trồng làm đẹp quanh nhà, ngày tết nếu có điều kiện mua thêm thì càng đẹp.

Người dân nông thôn cũng chủ yếu tự làm bánh mứt với đủ loại mứt dừa, mứt dẻo, mứt gừng, chùm ruột, hạnh, me, bánh bông lan, chanh muối… Nhờ có nguyên liệu tại chỗ nên mọi người tự làm hợp khẩu vị, màu sắc lại theo ý của gia đình. Tận dụng “công nghệ 4.0” bà con còn lên mạng coi hướng dẫn cách làm nhiều loại bánh mứt, món ngon ngày tết, nếu lần đầu không ngon thì rút kinh nghiệm làm ngon hơn trong những lần sau.

Một số hộ còn làm nhiều món ăn ngày tết rồi bày bán trước cửa nhà, nhờ vậy có thêm thu nhập. Khách ăn thấy ngon- sạch- đẹp thì tiếp tục ủng hộ.

“Bây giờ, không phải đợi đến tết mới có bánh mứt mà là có quanh năm, nên những người không tự làm thì sẽ mua với số lượng vừa đủ để mời khách ngay dịp tết chứ không tích trữ thực phẩm quá nhiều như ngày xưa”- bà Trương Thị Hồng Thắm nói.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh