Với phần lớn ranh giới nằm giáp sông Cổ Chiên, sông Măng Thít có nhiều diện tích cây trồng, ao hầm nuôi thủy sản, nên hàng năm, huyện Mang Thít bị ảnh hưởng đáng kể bởi hạn, mặn. Huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể để ứng phó với hiện tượng này trong mùa khô năm nay.
(VLO) Với phần lớn ranh giới nằm giáp sông Cổ Chiên, sông Măng Thít có nhiều diện tích cây trồng, ao hầm nuôi thủy sản, nên hàng năm, huyện Mang Thít bị ảnh hưởng đáng kể bởi hạn, mặn. Huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể để ứng phó với hiện tượng này trong mùa khô năm nay.
Kiểm tra vận hành cống Cầu Lớn (xã Mỹ Phước- Mang Thít) để đảm bảo phục vụ phòng chống hạn, mặn. |
Xác định vùng có nguy cơ cao về xâm nhập mặn
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, từ thực tế các năm qua, Mang Thít xác định mặn xâm nhập vào địa bàn huyện theo 2 hướng: Hướng từ sông Cổ Chiên, mặn xâm nhập vào các sông, rạch như: Vàm Lịch, Cái Kè, Thầy Cai, Hòa Mỹ, gây ảnh hưởng đến các xã: Chánh An, An Phước, Mỹ Phước và Mỹ An; hướng từ sông Măng Thít, mặn xâm nhập vào các sông, rạch nối với sông này như: Ruột Ngựa, Rạch Sâu, sông số 9, sông số 8, rạch Ngọc Sơn Quang và rạch Lung, ảnh hưởng đến các xã: Chánh An, Tân An Hội, Tân Long Hội và thị trấn Cái Nhum.
Mùa khô năm 2020- 2021, mặn xâm nhập không sâu, độ mặn không cao, cao nhất tại vàm Mang Thít là 3,2‰, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh không đáng kể. Nhưng nếu xâm nhập mặn như mùa khô năm 2015- 2016 thì có khoảng 2.390ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn dưới 5‰ (bao gồm xã Chánh An, An Phước, Mỹ Phước, Mỹ An, Tân An Hội, Tân Long Hội và thị trấn Cái Nhum).
Còn nếu xâm nhập mặn gay gắt xảy ra như trong mùa khô năm 2019- 2020, khi đó độ mặn tại vàm Mang Thít (Chánh An) trên 5‰ thì sẽ có 9 xã bị ảnh hưởng biên mặn từ 1- 5‰ (trừ xã Tân Long, Long Mỹ và Hòa Tịnh).
Trong đó có trên 3.000ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn, trên 9.000ha diện tích canh tác bị thiếu nước (khoảng 1.500ha vụ Đông Xuân, 4.680ha vụ Hè Thu và gần 2.500ha cây lâu năm). Ngoài ra, còn có 12 trạm cấp nước sạch phục vụ cho 21.098 hộ dân có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn…
Mặc dù dự báo mùa khô năm 2021- 2022, xâm nhập mặn ở ĐBSCL không gay gắt như năm 2019- 2020, nhưng rút kinh nghiệm từ mùa khô năm 2015- 2016 và 2019- 2020, năm nay, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT thực hiện tốt công tác đo mặn, nhất là tại những khu vực nuôi thủy sản có thể bị nhiễm mặn như các xã: An Phước, Chánh An, Tân Long Hội, Tân An Hội; thông báo về tình hình mặn hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS đến 390 đầu số (từ huyện đến các xã, thị trấn).
Đồng thời, rà soát những vùng có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới, nước sinh hoạt và máy bơm hiện có của huyện, của dân để chống hạn; trong đó chú trọng cho vụ Hè Thu năm 2022, nhất là các xã hay bị hạn như: Chánh An, An Phước, Tân An Hội, Tân Long Hội, thị trấn Cái Nhum.
Bên cạnh, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, Hè Thu 2022 nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn cũng như sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Các địa phương ở Mang Thít đúc bộng phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2022. |
Ưu tiên giải pháp công trình
Công tác vận hành các công trình thủy lợi cũng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 cống hở (chiều rộng thông nước từ 2,5m trở lên) do tỉnh quản lý và trên 1.000 cống nhỏ khác do cấp huyện, xã quản lý, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp- PTNT phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) vận hành các cống đảm bảo ngăn mặn, cấp nước phục vụ sản xuất.
Song song đó, phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành tốt các trạm cấp nước sạch nông thôn; thực hiện nâng cấp, duy tu, sửa chữa, mở rộng trạm cấp nước tập trung, mở rộng các tuyến ống nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân, nhất là vào thời điểm mặn lên cao, kéo dài.
Ông Phạm Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Chánh An cho biết, năm 2021, nhờ Sở Nông nghiệp- PTNT triển khai dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) đến nay đã cơ bản phần đắp đê, đang thi công các công trình lớn trên đê như hoàn thành cống Rạch Đôi, đang thi công cống Ruột Ngựa 1 và 2, kết hợp với các công trình do huyện đầu tư nên cơ bản 895ha vườn cây ăn trái (đặc biệt là hơn 300ha sầu riêng), 247,5ha cây màu và 30,9ha ao, hầm nuôi thủy sản trên địa bàn xã bớt lo chuyện bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, Mang Thít đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm nay.
Trong đó dự kiến sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí năm 2022 để đầu tư 8 công trình thủy lợi với tổng chiều dài 15.451m, kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Đồng thời, đề nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê bao rạch Cái Kè (An Phước) và hỗ trợ đầu tư 4 công trình thủy lợi có chiều dài 10.000m (kinh phí khoảng 2,54 tỷ đồng), bột xử lý nước cho 1.768 hộ dân chưa có nước máy sử dụng.
Bài học về hạn, mặn mùa khô năm 2015- 2016 và 2019- 2020 vẫn còn đó và luôn nhắc nhở địa phương này thường xuyên đề phòng, cảnh giác để giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất, dân sinh trước những biến đổi khôn lường của thời tiết, khí hậu, hạn, mặn trong mùa khô này.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin