Khẩn trương trữ nước, ứng phó hạn mặn

05:02, 18/02/2022

Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, trong tháng 2 này, nước mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu từ 50- 60km tại các tỉnh thành khu vực vùng giữa ĐBSCL, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Cống 7 cửa đóng khi độ mặn lên cao.
Cống 7 cửa đóng khi độ mặn lên cao.

(VLO) Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, trong tháng 2 này, nước mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu từ 50- 60km tại các tỉnh thành khu vực vùng giữa ĐBSCL, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tại Vĩnh Long, ngay thời điểm này, công tác dự báo và nhiều giải pháp ứng phó xâm nhập mặn đã được triển khai.

Chủ động ứng phó

Là 2 xã cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên và tiếp giáp với tỉnh Trà Vinh nên Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) thường xuyên chịu tác động rất sớm của các đợt xâm nhập mặn.

Năm nay, chính quyền và người dân đã chủ động ứng phó khi nhiều tuyến đê bao, cống đập được đầu tư đã đưa vào sử dụng. Đặc biệt, người dân cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó xâm nhập mặn.

Chú Dương Văn Săng- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Thanh Bình, cho hay: “Sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, do đó, chúng tôi luôn cập nhật thông tin, đo độ mặn thường xuyên.

Mặn lên, chúng tôi thông báo với nhau đóng cống lại để trữ nước ngọt tưới tạm thời trong mấy ngày, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Theo dự báo, tình hình hạn mặn năm nay sẽ không quá gay gắt như những năm trước.

Tuy nhiên, huyện vẫn chủ động và khẩn trương thực hiện kế hoạch phòng chống. Theo đó, địa phương triển khai các biện pháp công trình và phi công trình: Hoàn thiện, duy tu, sửa chữa hệ thống cống, đê bao, nạo vét, khơi thông kinh để trữ nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, cập nhật thông tin độ mặn thường xuyên đến người dân.

Theo dự báo, mặn sẽ lên cao trong tháng 2, có thể sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số nơi nhưng không quá nghiêm trọng.

“Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước, người dân cũng đã chủ động hơn, tự trang bị thiết bị đo độ mặn, đào ao, tích trữ nước trong mương vườn để tưới cho cây trồng.

Tại một số xã, để thích ứng với hạn mặn một số nông dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng chịu độ mặn hoặc chủ động được nguồn nước tưới, hạn chế tác động của xâm nhập mặn”- ông Đạo cho biết thêm.

Tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), công tác ứng phó xâm nhập mặn cũng đã được chính quyền địa phương triển khai ngay từ đầu năm 2022.

Hiện xã có 3/6 ấp nằm ở phía khu vực sông Hàm Luông chịu ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập, nhất là khu vực tại các ấp Bình Hòa 1, ấp Bình Hòa 2 và ấp Phú An 2. Qua thống kê, diện tích đất nông nghiệp của xã có hơn 900ha, trong đó có khoảng một nửa diện tích sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Một số người dân tại xã Bình Hòa Phước cho hay: Do nằm tiếp giáp với tỉnh Bến Tre, trước đây còn ỷ y mặn không tới, nhưng sau đợt ảnh hưởng trở tay không kịp năm trước, hiện nay chính quyền và người dân đã chủ động ứng phó hạn mặn hơn.

Nhiều tuyến đê bao, cống đập được đầu tư đưa vào sử dụng. Đặc biệt là phát huy tối đa 2 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động tại các cửa sông giúp địa phương chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng và trong sinh hoạt.

Để có biện pháp ứng phó kịp thời với xâm nhập mặn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- Trần Chí Cường cho hay: Sau Tết Nguyên đán, UBND xã xây dựng kế hoạch ứng phó, thường xuyên đo độ mặn để cập nhật, cảnh báo hàng ngày đến người dân.

Khẩn trương trữ nước

Tại Mang Thít, UBND xã An Phước cũng có thông báo đến người dân về việc chất lượng nước bị ảnh hưởng do tăng độ mặn của sông Măng Thít và sông Cổ Chiên.

Trạm quan trắc đo độ mặn tại cống 7 cửa.
Trạm quan trắc đo độ mặn tại cống 7 cửa.

Cụ thể, theo dự báo độ mặn hiện nay đang tiếp tục tăng lên theo triều cường đi sâu vào nội đồng, trong thời gian tới độ mặn sẽ cao hơn.

Do đó, để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như trữ nước ngọt sinh hoạt của người dân trong xã, Chủ tịch UBND xã An Phước thông báo đến người dân có biện pháp chủ động tưới tiêu đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, người dân chủ động trữ nước ngọt để sinh hoạt, thường xuyên theo dõi tin tức, báo đài, loa phát thanh của xã và ấp.

Các ấp cần kiểm tra lại các nắp quạt và vận động người dân đóng nắp quạt, cống bộng không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng và thường xuyên theo dõi các bản tin tiếp theo để có biện pháp ứng phó kịp thời với tình hình xâm nhập mặn trong tháng 2/2022.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Trước dự báo phức tạp của mặn xâm nhập, hiện nay tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với cấp độ ảnh hưởng tăng dần.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 27 công trình thủy lợi nội đồng và vận dụng máy móc hỗ trợ bơm tát đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 73.300ha lúa, cây màu vụ Đông Xuân; trên 67.000ha lúa, cây màu vụ hè thu và trên 63.000ha cây lâu năm.

“Chúng tôi có kế hoạch cụ thể và chi tiết để ứng phó. Ngoài hệ thống đê bao cũng như các cống ngăn mặn đã được xây dựng, trang bị trước đây thì sẽ tiếp tục đề nghị đầu tư thêm một số cống để linh hoạt hơn trong khâu ngăn mặn, trữ ngọt.

Ngoài ra với việc áp dụng giải pháp phi công trình ngành nông nghiệp cũng đã thông báo kịp thời cho các địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do khô hạn, mặn xâm nhập gây ra trong năm 2022”- ông Liêm cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh