Trải qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, miếu Ông Hổ (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu, Long Hồ) vẫn được người dân lưu giữ, thờ cúng đến ngày nay. Từ một vùng đất hoang sơ, đầm lầy, rậm rạp với nhiều thú dữ… đến nay ấp Phước Hanh A đã vươn mình đổi mới và đang "thay da đổi thịt" từng ngày.
Gia đình ông Hai Sum đang trông coi, nhang khói mỗi ngày tại miếu Ông Hổ. |
(VLO) Trải qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, miếu Ông Hổ (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu, Long Hồ) vẫn được người dân lưu giữ, thờ cúng đến ngày nay. Từ một vùng đất hoang sơ, đầm lầy, rậm rạp với nhiều thú dữ… đến nay ấp Phước Hanh A đã vươn mình đổi mới và đang “thay da đổi thịt” từng ngày.
Gắn liền với đời sống tâm linh
Trở về thăm vùng đất Miếu Ông Hổ, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện lưu truyền khác nhau về sự tích ông Ba Lai bắt cọp, sự tích miếu Ông Hổ… Để hiểu rõ về miếu Ông Hổ, chúng tôi đã đến gia đình ông Huỳnh Văn Quang (63 tuổi, tên thường gọi là Hai Sum)- ở ấp Phước Hanh A. Ông là người đang trông coi, thờ cúng miếu Ông Hổ.
Câu chuyện ông Hai Sum kể như giúp chúng tôi quay ngược lại dòng lịch sử. Cách nay khoảng 300 năm, khu vực miếu Ông Hổ còn là vùng đất hoang, đầm lầy, cây cối rậm rạp và có nhiều thú dữ. Người dân đã tới đây khai khẩn, sinh sống, trong đó có thân tộc của ông Hai Sum. Khi đến khai hoang, chuyện bị thú dữ phá hoại là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, nơi đây có Ông Hổ (cọp bạch) sống rất chan hòa với con người, không bao giờ quấy phá hay ăn thịt người. Qua đó, giúp người dân an tâm tăng gia sản xuất, tạo kế sinh nhai…
Ông Hai Sum kể lại: Ông Hổ thường trú ngụ ở ven rạch Giồng Xoài và khi qua đời cũng tại nơi đây. Có giả thuyết cho rằng gọi là rạch Giồng Xoài do nơi đây có nhiều cây xoài rừng. Sau này, khi miếu Ông Hổ được xây cất, người dân quen gọi là rạch Ông Hổ.
Khi Ông Hổ qua đời, bà Đặng Thị Sắc- cô ruột của bà cố ông Hai Sum đã lập miếu thờ để tưởng nhớ đây là vùng đất của Ông Hổ. Miếu được làm bằng cây và có linh vật Ông Hổ bằng gỗ quý, có hoa văn, sơn mài rất đẹp. Tại đây còn có lư hương, đèn lồng và nhiều vật dụng thờ cúng là đồ cổ có giá trị, nhưng qua thời gian các cổ vật này đều đã bị đánh cắp.
Khi miếu thờ bằng gỗ bị xuống cấp, những người trong thân tộc bà Sắc đã duy tu, xây lại miếu bằng gạch ống. Khi gạch bị mục nát thì cô ruột của ông Hai Sum đã tu sửa lại và làm tượng thờ bằng đá. Hiện, miếu thờ có nhiều tranh và nhiều tượng Ông Hổ. Ngày 24/4 âm lịch là ngày giỗ Ông Hổ, tùy điều kiện kinh tế, có năm ông Hai Sum cúng đầu heo, có năm cúng gà, vịt… Còn ngày rằm thì thắp hương, cúng chè, trái cây.
Từ lúc ông Hai Sum 7 tuổi, tết năm nào ông cũng đến rửa miếu, tắm Ông Hổ bằng rượu. Như thành thông lệ, cứ đến ngày tết, gia đình ông Hai Sum mua bông về chưng phía trước miều và trên bàn thờ. Do nhà gần miếu Ông Hổ nên mỗi khi có cúng kiếng, gia đình ông đều đem đồ đến miếu Ông Hổ cúng trước, rồi sau đó mới cúng ông bà, cổ huyền.
Những ngày rằm, giỗ, tết, gia đình ông Hai Sum đều tổ chức cúng bái Ông Hổ như đối với cổ huyền, ông bà. Qua nhiều đời lưu truyền, đến ông Hai Sum là đời thứ 5. Hiện, ông vẫn cùng con cháu tiếp nối thờ cúng, hương khói tại miếu Ông Hổ như một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh.
Đổi thay trên tuyến đường thờ miếu Ông Hổ
Ông Nguyễn Thế Quân- Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho hay: Miếu Ông Hổ gắn liền với sự tích trong quá trình khai hoang của người dân. Dù trải qua thời gian rất lâu nhưng người dân vẫn đến thắp hương, cầu nguyện, khi làm ăn khấm khá thì có đến UBND xã xin ý kiến về việc sơn, sửa, duy tu… Đây là nét văn hóa tin ngưỡng, bày tỏ sự tin tưởng của người dân đối với miếu thờ.
Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho biết thêm: Tất cả thông tin về miếu Ông Hổ đều do người dân lưu truyền lại chứ không biết thời gian chính xác và không có hồ sơ nên đến nay chưa được công nhận và xếp hạng di tích. Miếu Ông Hổ rất được người dân tin tưởng, tín ngưỡng, trông coi, thờ cúng, ngày tết và cả ngày thường đều có người đến thắp nhang, cúng bái.
Miếu Ông Hổ hiện tọa lạc trên tuyến đường từ cầu Tỉnh Đoàn đến cầu Út Tu. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ con đường đất, lầy lội, ọp ẹp, khó đi, đã dần được nâng cấp lên làm đường đan và đến nay là lộ nhựa. Từ Tết Nguyên đán năm 2021, người dân đã thuận tiện hơn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên con đường mới này.
Tuyến đường qua miếu Ông Hổ được đầu tư lán nhựa rộng lớn, thuận tiện cho người dân đi lại thông thương hàng hóa. |
Từ ngày con đường đưa vào sử dụng, bộ mặt nông thôn xã Phước Hậu nói chung và ấp Phước Hanh A đang đổi thay từng ngày. Chị Huỳnh Thị Thùy Mơ (ấp Phước Hanh A) tự hào khoe: “Được ở trên con đường này đẹp nhất xã”. Khi có con đường, người người cất nhà mới, rồi nhà nhà làm hàng rào, trồng hoa, cây xanh làm đẹp cảnh quan. Ban đêm, đèn đường được bật sáng trưng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Trước nhà chị Mơ cũng làm hàng rào kiên cố dọc theo tuyến đường, cột cổng thì ốp gạch và tạo kiểu mái che, hai bên trồng các loại hoa trang, mạng nhện… khoảnh sân trống trước nhà thì trồng đủ loại hoa, cây kiểng. Tết Nhâm Dần năm nay, chị ươm hoa hướng dương trồng trước nhà để không khí thêm rộn ràng.
Có con đường, rẫy màu của gia đình chị Mơ thu hoạch xong đem ra tới lộ là có lái thu mua, bán cũng có giá hơn trước. Chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình chị xuống giống đủ loại rau màu như: hành lá, cần tàu, tần ô, rau thơm, xà lách, cải tùa sại…
Tuyến đường hoàn thành cũng giúp gia đình ông Hai Sum thuận tiện trong việc tiêu thụ nông sản, sầu riêng không còn bị ép giá vì “đường đi khó”. Dịch vụ nấu ăn của gia đình ông cũng thuận tiện hơn vì không phải mất thời gian và tốn phí thuê người vận chuyển đồ đạc ra đầu lộ như trước, mà giờ đây xe 4 bánh, xe bán tải đã được đậu sẵn trước nhà, chỉ cần chất đồ lên là chở đi.
Miếu Ông Hổ hiện diện như nét văn hóa gắn liền với đời sống người dân địa phương. Vùng đất nơi đây đang chuyển mình đổi mới từng ngày. Bên tách trà trò chuyện trong những ngày đầu xuân Nhân Dần, người dân nơi đây có dịp ôn lại câu chuyện kể về sự tích Ông Hổ như nhắc nhớ những ngày khai hoang đầy gian khó và cảm thấy tự hào trước sự đổi thay của quê hương.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin