Xâm nhập mặn ở miền Tây tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán

02:01, 21/01/2022

Xu thế xâm nhập mặn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt và hạn chế tưới nước ở thời kỳ mặn cao điểm nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.

Xu thế xâm nhập mặn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt và hạn chế tưới nước ở thời kỳ mặn cao điểm nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.

Cống Cái Lớn ngăn mặn ở miền Tây - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cống Cái Lớn ngăn mặn ở miền Tây - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Phùng Tiến Dũng - trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) - cho biết từ ngày 21 đến 31/1, ở thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày có nắng. Riêng chiều đêm 24, sáng ngày 25/1 mưa có thể xuất hiện cục bộ tại một số tỉnh ven biển miền Tây nhưng lượng mưa này không nhiều, phổ biến dưới 5mm. 

Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 21-24 độ C, nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 30-33 độ C. 

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm, mực nước các trạm ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-1,7m. 

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m, tại Châu Đốc 1,7m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,1-0,15m. Mực nước thủy triều có xu thế tăng cao vào những ngày cuối tuần. 

Từ ngày 21 đến 31/1, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào những ngày cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 1/2021, riêng sông Cái Lớn độ mặn ở mức tương đương.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cái Lớn... vào sâu trung bình 20-40km.

"Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh. Trong thời kỳ xu thế mặn tăng cao từ 30/1 đến 4/2 (29 tháng chạp đến mùng 4 Tết), các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn" - ông Dũng khuyến cáo.

Theo ông Dũng, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.

Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 1/2022, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3, các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4. 

"Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới" - ông Dũng thông tin thêm.

Bắc và Bắc Trung Bộ đề phòng mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh gió Tây trên cao nên từ nay (21/1) đến ngày 22/1, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 30-60mm/24h, có nơi trên 60mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Khu vực Hà Nội trong hôm nay và ngày mai, có lúc có mưa, mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo CHÍ TUỆ/Tuổi Trẻ

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh