Năm 2021, mức chuẩn thu nhập được quy định tạm thời đối với các xã xây nông thôn mới (NTM) là 51 triệu đồng/người/năm, đồng thời có cách tính riêng cho từng xã xây NTM nâng cao.
Mức chuẩn thu nhập từ 46 triệu đồng/người/năm trở lên được áp dụng cho các xã xây NTM và NTM nâng cao trong năm 2021. Ảnh chụp trước khi có dịch |
(VLO) Năm 2021, mức chuẩn thu nhập được quy định tạm thời đối với các xã xây nông thôn mới (NTM) là 51 triệu đồng/người/năm, đồng thời có cách tính riêng cho từng xã xây NTM nâng cao. Tuy nhiên, trong năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập và phần lớn các xã không đạt chuẩn.
Vì vậy, việc xác định lại chuẩn thu nhập từ 46 triệu đồng/người/năm trở lên được Cục trưởng Cục thống kê Hà Văn Ban cho rằng “phù hợp với điều kiện khách quan và tình hình thực tế” qua một năm đầy biến động.
Chỉ có 2 xã vượt chuẩn
Tháng 5/2021, Cục Thống kê tỉnh có văn bản hướng dẫn tạm thời để các huyện- thị đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí thu nhập. Theo đó, đối với các xã xây NTM, mức chuẩn thu nhập là 51 triệu đồng/người/năm. Đối với các xã xây NTM nâng cao, mức chuẩn thu nhập được tính riêng cho từng xã.
Song, qua tổng hợp, mức thu nhập để đạt chuẩn NTM nâng cao đa phần đều từ 51 triệu đồng/người/năm trở lên, do đa số các xã xây NTM nâng cao đều đã đạt chuẩn NTM từ năm 2017 trở về trước, yêu cầu về tiêu chí thu nhập vào thời điểm đó chưa cao.
Riêng đối với xã Lộc Hòa (Long Hồ) về đích NTM năm 2018. Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,81 triệu đồng/năm và vượt chuẩn so quy định.
Song, khi tính mức thu nhập xã xây NTM nâng cao phải gấp 1,2 lần so với năm đạt chuẩn NTM, cùng với đó tính trượt giá CPI qua các năm, đối với xã Lộc Hòa là 1,076 lần, thì mức chuẩn thu nhập của xã Lộc Hòa cần phải đạt là 53,98 triệu đồng/người/năm.
Đến ngày 23/12/2021, toàn tỉnh có 17/20 xã đăng ký về đích NTM và NTM nâng cao hoàn thành công tác điều tra, tính toán mức độ đạt tiêu chí thu nhập và được ngành thống kê phúc tra, thẩm định kết quả. Ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng: Các xã đều quyết tâm đạt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiền công, tiền lương của người lao động, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước, dẫn đến phần lớn các xã đều không đạt chuẩn thu nhập.
Qua thẩm định, tỉnh Vĩnh Long có 2 xã của huyện Vũng Liêm vượt chuẩn thu nhập so quy định. Trong 8 xã xây NTM được thẩm định tiêu chí thu nhập, xã Hiếu Thành là địa phương duy nhất vượt chuẩn và đang dẫn đầu với thu nhập đạt 52,69 triệu đồng/người/năm, vượt 1,69 triệu đồng so quy định; xã Thạnh Quới và Tân Hạnh (Long Hồ) đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, còn lại đạt dưới 50 triệu đồng/người/năm.
Trong số 9 xã xây NTM nâng cao được thẩm định tiêu chí thu nhập, xã Hiếu Nhơn là địa phương duy nhất vượt chuẩn thu nhập với 51,8 triệu đồng/năm, vượt 800.000đ so quy định.
Có 7 xã thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, trong số này xã Lộc Hòa tuy đạt 50,32 triệu đồng/người/năm, nhưng thấp hơn quy định 3,66 triệu đồng; riêng xã An Phước (Mang Thít) chỉ đạt 48,81 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so quy định 2,19 triệu đồng.
Tháo gỡ chuẩn thu nhập
Các địa phương đang vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng thu nhập. |
Cục Thống kê đã trình BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh xem xét, cho ý kiến tháo gỡ khó khăn chung của các xã.
Đồng thời, đề nghị xem xét chấp thuận công nhận đạt tiêu chí thu nhập đối với các xã có thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng/năm trở lên, áp dụng cho xã đăng ký đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao vì như vậy là “phù hợp với điều kiện khách quan và tình hình thực tế”.
Ông Nguyễn Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho rằng: Tuy không nằm trong lộ trình xây NTM nâng cao của tỉnh, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc Hòa đã có sự nỗ lực rất lớn để về đích NTM nâng cao.
Do áp dụng cách tính mới nên yêu cầu về tiêu chí thu nhập của xã Lộc Hòa cao hơn so với các địa phương còn lại, nhưng tính bình quân mặt bằng chung và trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì thu nhập bình quân đầu người của xã Lộc Hòa đạt 50,32 triệu đồng là không quá thấp, thậm chí cao hơn xã Phú Đức và Bình Hòa Phước- cùng xây NTM nâng cao.
Đối với 2 xã xây NTM của huyện Long Hồ, thu nhập bình quân đầu người xã Tân Hạnh đạt 50,57 triệu đồng/năm, thấp so quy định 0,43 triệu đồng.
Hiện, Tân Hạnh đang phát huy lợi thế của xã vùng ven, người dân đang chuyển đổi mô hình sản xuất và phát triển thương mại- dịch vụ...
Với đặc thù Thạnh Quới là xã thuần nông và chuyên trồng lúa. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,18 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Chí Cường cho hay: Huyện xác định việc thực hiện tiêu chí thu nhập là khó khăn của xã. Huyện đã chỉ đạo vận động nhân dân đẩy nhanh chuyển đổi cây trồng và phát triển mô hình nuôi bò thương phẩm, nuôi vịt… để nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn với kinh tế- xã hội, đời sống, thu nhập của người dân.
Do đây là yếu tố khách quan nên tiêu chí thu nhập cần được đánh giá lại. Quan điểm của tỉnh về xây NTM thì điều kiện vật chất, tinh thần hơn xã bình thường, còn xã NTM nâng cao phải cao hơn xã NTM. Đó là mục tiêu để phấn đấu.
Thời gian tới, các xã cần có giải pháp để nâng chất tiêu chí thu nhập trong điều kiện các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất và người dân tăng gia sản xuất để bán trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Xã Tân Thành đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây màu khác thay dần diện tích trồng khoai lang, đồng thời đã ký hợp đồng với Công ty Đông Phát Food về bao tiêu sản phẩm đối với cây khoai môn. Hiện, xã đang tích cực vận động người dân chuyển đổi cây màu xuống ruộng, phát triển thương mại- dịch vụ để nâng thu nhập. --- Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Hai xã Chánh An và An Phước có mức thu nhập bình quân đầu người gần như đứng đầu của huyện. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, các cơ sở ngừng hoạt động, hàng hóa tiêu thụ chậm… đã làm giảm thu nhập. Hiện, các địa phương này đang tập trung phục hồi sản xuất. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin