Đầu năm 2010, cầu Trà Ôn được thông xe. Đây là một trong những công trình quan trọng thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL54- đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Cầu Trà Ôn hoàn thành, đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho huyện Trà Ôn và các huyện Bắc sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh và làm thay đổi tập quán về giao thông truyền thống.
Cầu Trà Ôn. |
(VLO) Đầu năm 2010, cầu Trà Ôn được thông xe. Đây là một trong những công trình quan trọng thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL54- đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Cầu Trà Ôn hoàn thành, đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho huyện Trà Ôn và các huyện Bắc sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh và làm thay đổi tập quán về giao thông truyền thống.
Trước kia, bến chợ Trà Ôn tấp nập ghe xuồng của người dân ở huyện Trà Ôn và một số xã lân cận thuộc huyện Tam Bình, Bình Minh. Chợ nổi Trà Ôn là chợ đầu mối nông sản nhộn nhịp kẻ mua người bán.
Mỗi ngày có vài trăm ghe tải lớn ở các tỉnh và TP Hồ Chí Minh neo đậu kín đoạn sông Trà Ôn và vàm Trà Ôn thuộc sông Măng Thít. Có thể nói, chợ nổi Trà Ôn là một trong những chợ sung túc bậc nhất miền Tây.
Chợ Trà Ôn thuộc vùng đất liền, nhưng từ năm 1993 trở về trước, người đi chợ Trà Ôn chỉ bằng ghe, xuồng. Người dân ở khu vực xã Ngãi Tứ (Tam Bình), Đông Thành (Bình Minh), khu 10A (thị trấn Trà Ôn) đi chợ bằng đường bộ phải qua đò ngang ngay vàm sông Măng Thít.
Chiếc đò ngang vào buổi sáng chở người khẳm đừ, trong khi nơi đây vùng nước vận và chảy xiết; bến chợ ghe xuồng tấp nập, xà lan kéo qua lại thường xuyên, vì vậy rất thiếu an toàn.
Bến đò ngang- bến phà Trà Ôn ngày nay. |
Anh Tiêu Hải Khương- người đã gắn bó với chiếc đò ngang qua lại vàm sông này trên 40 năm, kể: “Trước kia người đưa đò qua lại chợ với khu 10B chủ yếu là đò chèo. Năm 1977, UBND thị trấn Trà Ôn tổ chức chiếc ghe loại khoảng 50 giạ đưa khách ngang sông.
Tôi lúc đó nhà nghèo, đi vác mướn kiếm sống. Nhờ có sức khỏe, thể lực tốt, nên tôi được nhận vào vừa góp tiền đò, vừa khiêng đồ cho người qua sông.
Ở vàm sông này nước chảy xiết lắm, lại gần doi chợ nước vận, xuồng ghe lại nối đuôi dày đặc, nên đò ra vào khó lắm. Sáng sớm, khách qua đò đông, chiếc đò khẳm đừ, có người cũng sợ nhưng cứ chen nhau đến khi mình không cho xuống nữa mới thôi.
Ban đêm muốn qua sông thì đi xuồng chèo của những người dân sống ở cù lao Tròn. Đến những năm 1980, người dân bắt đầu có xe đạp, xe máy. Lúc này chiếc đò ngang khoán lại cho dân, tôi tiếp tục được mướn để rinh xe máy lên đò, mỗi chiếc được hưởng 10% tiền phí”.
Câu chuyện về bến đò ngang- chuyện của mấy mươi năm trước, nhưng với anh Khương nó vẫn vẹn nguyên trong ký ức.
“Đến năm 1993, QL54 được nâng cấp, cụm phà Vàm Cống xây dựng bến phà Trà Ôn. Tôi cũng được nhận vào làm nhân viên kiểm soát vé phà từ đó. Lúc này, phương tiện qua lại nhiều hơn và cũng an toàn hơn, lòng tôi cũng nhẹ nhõm.
Hàng ngày, ngoài phương tiện chủ yếu là xe đạp và xe máy thì chỉ có một vài xe tải nhỏ chở hàng nông sản qua lại bến phà và có duy nhất 1 xe khách tuyến Vĩnh Xuân- Vĩnh Long qua lại phà. Còn xe khách Trà Ôn- Vĩnh Long thì đậu chờ khách bên bờ khu 10A.
Vàm Trà Ôn nhìn từ cầu Trà Ôn. |
Đến năm 2010, cầu Trà Ôn được hoàn thành, đưa vào sử dụng, rồi tôi về phà Vàm Cống, rồi đến có cầu Vàm Cống thì tôi lại về Đình Khao cho đến bây giờ”- anh Khương bộc bạch.
Khi cầu Trà Ôn đưa vào sử dụng, phương tiện xe ô tô tăng lên hàng năm. Giao thương hàng hóa giữa các địa phương Bắc sông Hậu với TP Cần Thơ thuận tiện hơn, người đi đường bộ tăng lên.
Những chuyến đò chở khách dần vắng bóng. Phương tiện chở hàng hóa bằng ghe dần được thay thế bằng xe, nhanh hơn, cơ động hơn.
Chợ nổi Trà Ôn nhộn nhịp những chiếc ghe tải neo đậu với những chùm trái cây, rau, củ treo lủng lẳng trên đầu cây sào dần thưa. Rồi thưa dần, thưa dần... và đến bây giờ, chợ nổi Trà Ôn dường như chỉ còn trong ký ức.
Quy luật cuộc sống là vậy! Khi xã hội phát triển thì cái mới thay thế cái cũ. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ nhanh hơn, cơ động hơn; mỗi ngày từ vài chục phương tiện qua lại, đến nay đã có hơn ngàn lượt phương tiện lưu thông trên QL54.
QL54 phát huy hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế của 3 tỉnh Bắc sông Hậu, trong đó, người dân huyện Trà Ôn được thụ hưởng nhiều hơn, kinh tế địa phương phát triển nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển giao thương.
Tân dụng cơ hội, những năm qua, Đảng bộ huyện Trà Ôn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội nói chung và kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nói riêng đạt được kết quả tích cực.
Kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông thủy lợi và các công trình dân sinh góp phần cho chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, từ 26,3 triệu đồng/người năm 2014 lên 37 triệu đồng/người năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,67% giảm còn 2,05% (riêng hộ Khmer nghèo từ 31% năm 2014 giảm còn 7,6% năm 2020). Huyện đã công bố đồ án quy hoạch chung đô thị thị trấn Trà Ôn đến năm 2030.
Đến nay, thị trấn Trà Ôn đạt 71,34/100 điểm so với tiêu chuẩn đô thị loại IV và đạt chuẩn văn minh đô thị; trung tâm xã Hựu Thành đạt 65,15/100 so với tiêu chuẩn đô thị loại V...
Những thành tựu đạt được đáng phấn khởi, tuy nhiên hiện nay QL54 vẫn còn điểm nghẽn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đường xuống cấp, lưu lượng phương tiện đường bộ tăng lên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao.
Do vậy, QL54 rất cần được mở rộng đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, đồng bộ với hai đầu Trà Vinh và Đồng Tháp, sẽ tạo động lực phát triển hơn nữa các địa phương khu vực Bắc sông Hậu.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin