Chủ động ứng phó hạn, mặn từ bây giờ

09:01, 26/01/2022

Theo dự báo, tình trạng xâm nhập mặn tại Vĩnh Long sẽ diễn ra với mức độ không bằng mùa khô 2020- 2021, khả năng xâm nhập mặn sâu vào kinh rạch trong tỉnh sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và tăng dần.

Nông dân cần theo dõi kỹ độ mặn và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây trồng.
Nông dân cần theo dõi kỹ độ mặn và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây trồng.
Theo dự báo, tình trạng xâm nhập mặn tại Vĩnh Long sẽ diễn ra với mức độ không bằng mùa khô 2020- 2021, khả năng xâm nhập mặn sâu vào kinh rạch trong tỉnh sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và tăng dần. Để phòng chống hạn mặn, nhiều địa phương đã sớm triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh, nhất là vào thời điểm trước Tết.
 
Dự báo hạn, mặn có thể xảy ra sớm
 
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô tại ĐBSCL năm 2022 tương tự như 2020- 2021, mặn xâm nhập sớm, sâu và có thể diễn biến bất thường. Đợt mặn lên sớm có thể xuất hiện vào dịp Tết Nguyên đán. 
 
Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện tại mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 15%, nên tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới của mùa khô 2022 vẫn diễn biến phức tạp.
 
Theo đó, để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2021- 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. UBND tỉnh cũng xây dựng các kịch bản xâm nhập mặn có thể xảy ra để triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tương ứng, đồng thời triển khai chỉ đạo phòng chống, ứng phó phù hợp đối với từng kịch bản.
 
Mục đích triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2021- 2022 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh.
 
Đồng thời, đảm bảo nước tưới cho 50.000ha lúa, trên 23.300ha cây màu vụ Đông Xuân vụ 2021- 2022; đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000ha lúa Hè Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 4‰ (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ). Đặc biệt, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 14.200 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng, xa kinh, rạch lớn, sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt, bị ô nhiễm, nhiễm mặn.
 
Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương đã có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.
 
Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay: Theo dự báo hạn mặn mặn nay xảy ra nhưng không gay gắt, không nghiêm trọng như mùa khô 2019- 2020. Ngành chức năng cũng đã theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến các đơn vị có liên quan, địa phương, người dân để chủ động ứng phó. 
 
Chủ động ứng phó, linh hoạt thích ứng hạn mặn
 
Theo đánh giá của ông Lưu Nhuận, rút kinh nghiệm từ những đợt hạn mặn gay gắt trước đây, nhiều hộ nông dân đã chủ động thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của chính quyền địa phương để phòng chống hạn mặn, như: chủ động nạo vét ao, mương trong vườn để trữ nước ngọt, mua bồn chứa nước, linh hoạt trong việc chuyển đổi mùa vụ…, không còn lúng túng hay bị động khi hạn mặn xảy ra.
 
Có 4 công sầu riêng, chú Nguyễn Văn Liêm (xã Chánh An- Mang Thít), cho hay: “Mấy năm trước đây, mặn bất ngờ lên nhanh trong Tết, nên vườn sầu riêng của tôi cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nhiều. Nhưng khoảng 2 năm nay, tôi đã đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn... để có nước ngọt sử dụng. Đồng thời, phủ gốc, tưới tiết kiệm nước vườn sầu riêng để ứng phó hạn mặn.
 
Tại Vũng Liêm, công tác phòng chống hạn mặn cũng được chủ động và khẩn trương thực hiện. Tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm), ông Dương Văn Săng- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Thanh Bình, cho hay: Nhiều hộ trồng sầu riêng xử lý sớm để tránh hạn mặn, không để chính vụ nhiều, không để đạt tối đa năng suất của cây. Đồng thời, các thành viên trong tổ hợp tác sầu riêng còn tự trang bị dụng cụ đo độ mặn để kiểm tra độ mặn trong nước trước khi tưới, bảo vệ tốt vườn cây sầu riêng trong mùa khô này và để ăn Tết “khỏe, ngon lành” hơn.
 
Bên cạnh đó, công tác duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi cũng được tập trung thực hiện, nhất là ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít để ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước cấp cho sinh hoạt. 
 
Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm Dương Ái Đạo, cho hay: Trong năm qua, phòng đã kết hợp triển khai thi công 19 công trình thủy lợi bức xúc chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ 1.760ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng chiều dài 36.156m, kinh phí đầu tư trên 8,8 tỷ đồng. Với các danh mục công trình đầu tư năm 2021 góp phần khép kín 99% diện tích sản xuất nông nghiệp.
 
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cũng cho hay: Thời gian tới, phòng phối hợp chặt chẽ trong triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, thông tin về diễn biến hạn, mặn. Tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về hạn, xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động đối phó. Đồng thời, phối hợp cấp bột xử lý nước, nước thùng (nước sạch đóng thùng để uống) cho các hộ ở nông thôn chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kinh rạch lớn, dự báo gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị thiếu hụt và ô nhiễm, nhiễm mặn. 
 
Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con “ăn Tết nhưng không quên theo dõi nước mặn”, người dân cần chủ động kiểm tra cống bộng, nắp quạt đảm bảo ngăn mặn, nhất là thời điểm triều cường không nên lấy nước tưới phục vụ sản xuất; ưu tiên bơm tát vào ruộng, mương vườn để trữ nước ngọt và tưới vào những ngày triều thấp (nước kém); tận dụng các dụng cụ để trữ nước sinh hoạt nhằm ứng phó kịp thời khi hạn mặn về sớm và kéo dài.
Theo khuyến cáo ông Dương Ái Đạo: Khi hạn, mặn xảy ra: đối với lúa dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng; khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,5‰). Đối với rau màu hoa kiểng cần thận trọng hơn, có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới. Đối với cây ăn trái, sầu riêng là cây nhạy cảm nhất đối với mặn nên cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới trong thời gian mặn xâm nhập. Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh