
Dường như mỗi người có một tật. Lão Tám Minh xóm tôi luôn bức xúc khi nhìn thấy địa danh, tên sông, tên cầu, sinh hoạt đình miếu bị méo mó thì đều lên tiếng, khi gặp ai, ngồi đâu, ông đều trao đổi. Lần này ông nói địa danh rạch Búng Bò và rạch Thằng Chỏng.
(VLO) Dường như mỗi người có một tật. Lão Tám Minh xóm tôi luôn bức xúc khi nhìn thấy địa danh, tên sông, tên cầu, sinh hoạt đình miếu bị méo mó thì đều lên tiếng, khi gặp ai, ngồi đâu, ông đều trao đổi. Lần này ông nói địa danh rạch Búng Bò và rạch Thằng Chỏng.
Vàm rạch Búng Bò cách bến phà Đình Khao gần cây số, hướng thượng nguồn sông Cổ Chiên. Rạch Búng Bò chảy vào ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh của huyện Long Hồ. Rạch này nhỏ, không có bãi bồi. Hai bờ dân cư đông đúc.
Trước năm 1975, rạch Búng Bò hoang vu xuồng ghe ít lại qua. Sau năm 1975, cư dân tập trung khai phá. Con rạch được nạo vét, cảnh hoang vu không còn.
Lộ mở rộng, thông từ bến phà Đình Khao xiên qua kinh Mương Lộ đến cống Cây Da. Xe tải trọng lớn ngược xuôi rầm rập. Rạch Búng Bò từ vàm vào gần 100m là tới “cầu Bún Bò”. Nhiều người trong xóm không chịu cái tên này.
Tám Minh bảo, ông đi khắp xóm Búng Bò gặp dân và cán bộ đều không thừa nhận lấy chữ “Bún Bò” làm tên cầu. Họ bảo mấy đời cha ông có ai thấy món bún bò ở đất này! Xa phố thị, hương vị bún bò ít người biết.
Lão Tám Minh lý sự, thôi thúc tôi đến xóm Búng Bò gặp vài lão nông, gặp cả ông Mười- cán bộ mặt trận xã Hòa Ninh. Ông Mười nói: “Làm gì có cầu Bún Bò, cầu Sả Cát”!
Tôi lại đến dốc cầu có bảng tên “cầu Bún Bò”. Gần dốc cầu có quán ăn, biển đề: “Quán Cô Sáu Búng Bò”. Ở quán này tôi được cháu Tú Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Lưu Văn Liệt- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bà nội cháu là cô Sáu. Ở đây người ta hay gọi bà là cô Sáu Búng Bò nên khi mở quán mới lấy luôn tên này”.
Đúng là may mắn cho tôi! Bây giờ thực khách góp chuyện chẳng chờ hỏi han, mời mọc. Một vị lên tiếng: “Ông bà tôi có người sinh năm 1860, 1880 ở đất này, lưu truyền khá rành rọt. Dân sống nghề hạ bạc là chủ yếu. Bờ sông Cổ Chiên nơi đây có vịnh nước, nên tôm cá ẩn náu dữ lắm.
Lòng rạch Búng Bò có búng hỏm. Hai bên bờ rạch rất nhiều cây gừa, trâm bầu, sắng, dây cóc kèn, dây lăng, cổ rùa, dây choại,… ken với nhau như ống cống. Ghe xuồng đến đây gặp lúc nước lớn phải chờ nước ròng.
Khi nước ròng phải lội xuống rạch, khom lưng đẩy xuồng ghe qua. Như bò qua búng nước. Dân mình rất giàu hình tượng.
Ở vàm rạch Sóc Xâu bên Đồng Phú có cây cầu xây phần giữa hình vòng cung để ghe xuồng qua lại dễ dàng.
Với hình dáng đó người ta đặt tên cầu Móng. Cũng giống như cầu Móng bên xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè thì gọi là cầu Khum!”
Lại thêm một vị, tuổi khoảng 40, dáng thầy giáo. Hớp xong ngụm trà, sửa thế ngồi, góp chuyện: “Sai sót này nói sao cho hết, tôi gặp nhiều lắm, như cầu Cai Bảy, họ nghiệm ra Cái Bẩy.
Hay khu vực gần bến phà Đình Khao, bao đời dân xóm này ghi nhận cái từ Xẻo Cát. Vậy mà nay lại mọc lên cây cầu Sả Cát”.
Chưa hết, chuyện bên bờ bao Doi Đồn ở xã Đồng Phú có cầu rạch Chòng Chòng. Nơi đó ngày xưa là bãi bồi, sình lầy.
Bờ sông hỏm, thành vịnh, có xẻo nước ăn sâu vào trong. Khoảng từ năm 1940- 1972, hay có xác người chết trôi tấp vào. Ghe cắm cờ trắng ngược xuôi tìm kiếm, đến đó vớt xác đưa về. Dân trong vùng gọi đó là rạch “Thằng Chỏng” (không phân biệt nam nữ).
Bây giờ đường bờ sông như quốc lộ. Cầu bắc qua rạch từng có tên là Thằng Chỏng, nhưng giờ lại mang tên “Chòng Chòng”. Dân hỏi, vì sao phải bỏ tên Thằng Chỏng? Được trả lời tên đó không văn hóa! Rõ là địa danh không thể tùy tiện đặt tên. Song, không thể vô cớ, phi lý như Bún Bò, Sả Cát, Chòng Chòng.
Gần đây, cây cầu lớn ở xóm Cầu Xoay, thuộc ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, gắn tên cầu là “Bảy TH.” chừng một tuần lễ thì bị gỡ. Xây xong có chưng bảng chờ gắn tên cầu. Đã qua bảy tháng, mặt bảng tên chưa có chữ nào. Cầu này cách cầu “Bảy TH.” 200m. Rõ ràng địa danh, tên cầu hết sức quan trọng.
Cuộc trò chuyện cuốn hút ông làm vườn. Người ông động đậy, miệng mỉm cười: Lĩnh vực chữ nghĩa, văn hóa nói không hết đâu! Chiến tranh kéo dài, mặt bằng dân trí còn thấp.
Hôm rồi thợ làm cầu Doi Đồn cãi nhau nảy lửa, chỉ vì tên cây cầu. Cuối cùng, nhà tài trợ xây cầu Doi Đồn thắng. Tên cầu được đắp chữ bằng xi măng: “Voi Đồn”!?
Trong khi địa danh Doi Đồn mang tính lịch sử hẳn hoi. Đó là tiền đồn thành trấn Vĩnh Thanh, đóng ngay doi đất bờ sông Đại Tuần hồi 1813, bị phá 1867. Không hiểu sao xây cầu xong lại sửa thành cầu Voi Đồn.
Cho nên, cầu Bảy TH. bị gỡ bảng tên; rồi cây cầu liên ấp gần cầu Bảy TH. xây xong đã bảy tháng chưa gắn tên cầu cũng là hết sức cẩn trọng. Thà chậm còn hơn sai,…
NGUYỄN HỒNG TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin