
VLO) Trong khi nhiều địa phương gặp khó trong thực hiện tiêu chí thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thì theo khẳng định của ông Trần Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Luông (Vũng Liêm): "Việc thực hiện tiêu chí này không quá khó".
![]() |
Người dân ấp Bàu Xép không ngừng tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. |
(VLO) Trong khi nhiều địa phương gặp khó trong thực hiện tiêu chí thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thì theo khẳng định của ông Trần Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Luông (Vũng Liêm): “Việc thực hiện tiêu chí này không quá khó”.
Năm 2021, xã Tân An Luông có ấp Bàu Xép và Ấp 5 cùng lúc xây ấp nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu và hiện có mức thu nhập bình quân đầu người đạt lần lượt là 83,71 và 85,82 triệu đồng/năm.
Nhiều nguồn thu
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Năm- ấp Bàu Xép nhân lúc ông vừa cho xuất chuồng con bê với giá 15 triệu đồng. Ông Năm kể: Trước đây, tui nuôi vịt, heo nhưng không hiệu quả, nên chuyển sang nuôi bò sinh sản vì chủ yếu “lấy công làm lời”.
Từ con bò mẹ lúc đầu, qua 10 năm đã sinh được nhiều đợt, chỉ riêng tiền bán bê, tui bỏ túi được cả trăm triệu đồng.
Hiện, ông Năm có 5 con bò mẹ, cứ bình quân 1,5 năm, ông bán 4 con bê với giá 12- 20 triệu đồng/con. “Trừ chi phí, tính ra lãi gấp đôi so với tui trồng 12 công lúa”- ông Năm nói và cho biết thêm: “Hôm qua tui mới bán 150 bao phân bò, giá 13.000 đ/bao.
Từ việc bán nguồn phế phẩm này, tui cũng bỏ túi thêm 9- 10 triệu đồng/năm. Bên cạnh, ông Năm còn có thêm nguồn thu từ cây dừa, tháng nào cũng bán khoảng 100 trái với giá 80.000- 100.000 đ/chục… Từ nguồn thu “mỗi thứ một ít”, đã giúp ông Năm có cuộc sống tốt hơn.
Trên tuyến đê bao ngăn mặn trữ ngọt đang được đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2022, chúng tôi ghé vào căn nhà sàn mát rượi là nơi vợ chồng ông Nguyễn Trung Hiệp (ấp Bàu Xép) đang ở tạm để làm rẫy trên phần đất của con gái và trông coi nhà yến dùm đứa cháu. Gần đó, ông Hiệp có hẳn căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi.
Ông Hiệp cho biết, nơi này trước kia là vùng sâu, ít người qua lại, nhưng từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng xã NTM, NTM nâng cao rồi xây ấp NTM kiểu mẫu, nơi đây đã “thay da đổi thịt”, nhất là đường sá đi lại thuận tiện, nhiều mô hình làm ăn được quan tâm đầu tư phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Là người yêu thích trồng rẫy, nên trong thời gian “giữ đất giùm”, ông Hiệp tận dụng mọi diện tích trống để trồng đủ loại rau màu. Với 1 công đất rẫy, ông trồng các loại rau thơm, dưa leo, đậu cô ve… đất cặp lộ ông trồng chuối, bắp và củ cải trắng, rau diếp cá.
Bên cạnh, ông còn ươm các loại cây hoa vạn thọ trong bao cát để chưng tết. Với nguồn rau màu đa dạng, phong phú, bà Nguyễn Thị Thu Vân- vợ ông Hiệp đem rau đi bỏ mối cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày.
Nhiều mô hình hiệu quả
Đã 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Thanh (Ấp 5) đã chuyển từ trồng lúa sang ươm cây giống mít Thái siêu sớm và mít ruột đỏ. Ngoài 3 công đất nhà, ông Thanh còn thuê thêm 6 công.
Ông cho biết: “Ươm cây mít giống, mỗi năm cho thu hoạch một lần, qua tháng Giêng tui sẽ bứng bán, đến đầu tháng 2 thì trồng lại. Lợi nhuận khoảng 50- 60 triệu đồng/công”.
Nhờ có “mối làm ăn” là ông sui ở Bến Tre chuyên ghép cây giống và con trai cũng theo nghề này, nên ông Thanh khá thuận lợi trong việc chuyển đổi cây trồng và được hỗ trợ kinh nghiệm “mọi lúc”, khi cần chỉ việc “a lô”.
Ông Thanh cho biết, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng, lúc mới lên liếp thì xử lý phèn, rải lân, vôi. “Tui mới rải phân xong, mỗi năm chỉ rải 3- 4 đợt phân là được”.
Từ việc ươm cây mít hiệu quả, ông Thanh cũng thiệt tình chỉ cho người quen chứ không giấu nghề. Ông còn vạch ra ý tưởng vận động thêm nhiều hộ phát triển ươm cây mít giống, đầu ra sẽ được con trai ông bao tiêu. Ông cũng dự định “sẽ thuê thêm đất để ươm cây mít giống”.
Ông Trần Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Luông cho biết, để giúp các ấp xây NTM kiểu mẫu về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo, xã đã có định hướng ngay từ đầu năm, đó là: tạo nhiều cơ sở, mô hình, đảm bảo công ăn việc làm.
Với đặc thù của ấp Bàu Xép và Ấp 5 chuyên về sản xuất lúa, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, cùng các ngành nghề gia công… góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cả 2 ấp này không bị ảnh hưởng nhiều như khu vực chợ- nơi có nhiều hộ kinh doanh.
Điểm nổi bật của cả 2 ấp là chi bộ, ban vận động ấp rất đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên và nhân dân.
“Với phương pháp “dễ làm trước, khó làm sau” và tháo gỡ từ từ, đến nay cả 2 ấp đều xây dựng đạt 11/11 tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu”- ông Trần Thành Trung cho biết.
Ông Du Văn Tiến- Bí thư kiêm Trưởng ấp Bàu Xép Sự đồng tình, nhất trí cao trong nội bộ đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong xây ấp NTM kiểu mẫu. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng các hộ dân vẫn đầu tư nhà yến, chăn nuôi gà, bò sinh sản và phát triển kinh tế vườn cây ăn trái. Bên cạnh, ấp còn có mô hình đan giỏ sọt, tách vỏ hạt điều, quay chậu kiểng, lộn sên… góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông nhàn. *** Ông Nguyễn Văn Nam- Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ấp 5 Thời gian qua, người dân trên địa bàn ấp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khá hiệu quả. Trong đó, nổi bật là mô hình ươm cây giống mít, trồng bưởi da xanh, nuôi thỏ, bò, gà… Hiện, hầu hết người dân đều có việc làm ổn định, đa phần biết học hỏi mô hình có hiệu quả từ các nơi về áp dụng trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình và tiếp tục đầu tư nhân rộng, đã góp phần nâng cao thu nhập, nâng mức sống lên. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin