Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang đặt ra rủi ro, thách thức kép. Điều này đòi hỏi năng lực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) các cấp cần được củng cố, tăng cường, nhất là đội xung kích PCTT cấp xã.
(VLO) Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang đặt ra rủi ro, thách thức kép. Điều này đòi hỏi năng lực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) các cấp cần được củng cố, tăng cường, nhất là đội xung kích PCTT cấp xã.
Bởi đây là lực lượng nòng cốt được huy động kịp thời, nhanh chóng ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần phát huy vai trò của cộng đồng trong PCTT.
Nâng cao năng lực đội xung kích PCTT
Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, đến nay Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các cấp đã được kiện toàn, đáp ứng tốt công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT- TKCN.
Tất cả các thành viên điều được phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn cụ thể, đảm bảo triển khai các phương án ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Hiện nay, toàn tỉnh có 107 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích PCTT với 9.355 thành viên, trong đó có 107 đội trưởng và 277 đội phó và gần 9.000 đội viên.
Đội xung kích PCTT cấp xã là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này được huy động kịp thời, nhanh chóng có mặt ngay từ giờ đầu để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn, dọn dẹp cây cối đổ ngã, nhà cửa hư hỏng,…
Về công tác tập huấn năm 2021 đến nay đã có 3/8 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tập huấn. Trong đó TP Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích PCTT bằng hình thức trực tuyến cho 11 phường trên địa bàn thành phố.
Các huyện Long Hồ và Bình Tân đã xây dựng kế hoạch tập huấn cho một số xã. Riêng 5/8 huyện, thị còn lại, không tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích cấp xã do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Việc tập huấn sẽ được tổ chức trong năm 2022.
Song song đó, thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai đã được chủ động, thông tin dự báo có mức độ chính xác ngày càng cao, phục vụ hiệu quả cho công tác PCTT.
Theo đó, để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai, ngành chức năng tỉnh cũng đã tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã sát với tình hình thực tế của địa phương.
Xác định nhiệm vụ PCTT, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, ông Nguyễn Văn Phước- Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện Long Hồ, Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT, cho biết: “Thời gian qua huyện cũng đã khảo sát kiểm tra các đoạn đê bao, bờ vùng có nguy cơ sạt lở cao ở các xã; đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng chống ngập lụt, ngăn triều, sạt lở đê bao bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai được ngành chức năng thực hiện kịp thời, giúp người dân ổn định cuộc sống. |
Dựa vào cộng đồng
Theo ngành chức năng, trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong PCTT đóng vai trò quan trọng, bởi khi thiên tai xảy ra, nếu người dân không chủ động ứng phó, mà chỉ trông chờ vào chính quyền là rất khó.
Do đó, thời gian qua, các đơn vị có liên quan cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động phổ biến kiến thức PCTT trong cộng đồng.
Cụ thể, như: trước khi bước vào mùa mưa bão, những buổi diễn tập chằng chống nhà cửa được thực hiện thường xuyên; thực hành diễn tập sơ cứu người bị thương do thiên tai,…
Qua các buổi tập huấn, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho người dân, cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Để nâng cao nhận thức về PCTT, ông Nguyễn Văn Phước cho hay: “Huyện sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Song song đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong phòng chống, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ khi xảy ra giông, lốc xoáy”.
Để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tiếp nhận thông tin về tình hình hạn, mặn, lũ, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới... báo cáo kịp thời với cấp trên và chuyển tải thông tin, ý kiến chỉ đạo tới các huyện; thông báo các dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo thu hoạch an toàn sản xuất và dân sinh trong tỉnh.
Triển khai các biện pháp tăng cường năng lực phòng chống thiên tai; theo dõi sát sao diễn biến thực tế, phối hợp chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ các địa phương, người dân ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai.
Đồng thời, vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường để hỗ trợ cho công tác chỉ đạo sản xuất, phòng chống hạn mặn, sạt lở…
Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, khả năng huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” với lực lượng phòng, chống, ứng phó thiên tai toàn tỉnh có 11.386 người. Trong đó, lực lượng ban chỉ huy các cấp, các ngành là 579 người, quân sự 3.038 người, công an 1.345 người và các lực lượng khác là 4.202 người. 9.082 phương tiện, trang thiết bị các loại. Nhu yếu phẩm dự trữ tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại địa phương gồm 3.354 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như mì tôm, nước uống đóng chai, viên lọc nước. Riêng mặt hàng xăng, dầu được dự trữ và cung ứng theo hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. |
Bài, ảnh: SƠN- LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin