
Tại hội thảo "Phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) cho vùng.
(VLO) Tại hội thảo “Phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) cho vùng.
Theo đó, đề xuất ban hành Nghị quyết mới tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
![]() |
Doanh nghiệp chủ động, linh hoạt thích ứng trong tình hình mới để duy trì và phát triển sản xuất. Ảnh: THẢO LY |
Đạt được nhiều thành tựu
BCĐ tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001- 2010 vừa tổ chức Hội thảo và Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ hai, nhằm tổng kết các công việc đã triển khai và lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Báo cáo tổng kết lần cuối trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, có vị trí địa chính trị và an ninh quốc phòng hết sức quan trọng, là đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, vựa lúa của cả nước, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của hơn 17 triệu đồng bào dân tộc anh em”.
|
Theo đó, sau 18 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân, vùng ĐBSCL đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực KT-XH, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vùng đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước; góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đã cơ bản giải quyết được bức xúc của nhân dân.
Nói về định hướng phát triển vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: “vùng cần tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, việc làm đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, hướng đến mục tiêu trọng tâm là nâng cao sức khỏe cộng đồng…”
Song hành những thách thức
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá Nghị quyết 21-NQ/TW đã đi vào cuộc sống; tác động tích cực đến phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH của cả nước.
Đồng thời, đã trao đổi chỉ rõ những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn” về chính sách để thu hút nguồn lực nhằm khai thác các tiềm năng, phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó chỉ ra các cơ hội và thách thức cho vùng ĐBSCL.
![]() |
Cần tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển bền vững vùng. |
Liên quan đến những thách thức của vùng về vấn đề môi trường, theo GS.TS Lê Thanh Hải (Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), vùng ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu.
“4 vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới của vùng ĐBSCL là thay đổi dòng chảy lũ thượng lưu, gây khô hạn, xâm nhập mặn và ngập vùng ven biển do nước biển dâng; xói lở, sụt lún bờ sông và bờ biển; bảo vệ hệ sinh thái trên cạn và dưới nước do khai thác quá mức, cháy rừng; ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, thoái hóa- ô nhiễm môi trường đất và quản lý chất thải.”- GS. TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Đề xuất ban hành nghị quyết mới
Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất cao đề nghị Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho phát triển KT-XH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đề xuất nhiều giải pháp đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, tiếp tục đổi mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo sự bứt phá.
Về quy hoạch vùng trong thời gian tới, TS. Đinh Lâm Tấn (Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất hình thành các trung tâm đầu mối nhằm định hướng hình thành mạng lưới các trung tâm có đủ các điều kiện về hạ tầng và mức độ tập trung về chức năng, hình thành mạng lưới liên kết, nhằm thúc đẩy hiệu quả về sử dụng nguồn lực và không gian phát triển của vùng.
“Việc hình thành các trung tâm đầu mối của vùng ĐBSCL được coi là khâu đột phá để tạo ra giá trị cho phát triển vùng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp, du lịch và các ngành dịch vụ khác, phát triển chuỗi giá trị”- TS. Đinh Lâm Tấn cho biết.
Các thành viên BCĐ cũng đã phân tích rõ hơn bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó chỉ ra các cơ hội, thách thức cho vùng trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, nhiều ý kiến chỉ rõ cần thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển KT-XH vùng, phân bổ và thu hút nguồn lực…
Song song đó, vấn đề liên kết vùng cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Các đại biểu cho rằng, chiến lược, quy hoạch các địa phương phải tích hợp được với quy hoạch, chiến lược phát triển vùng; đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm đầu tư, quản trị theo vùng… để phù hợp hơn trong việc thu hút, khai thông và phát huy hiệu quả các nguồn lực chung.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH; bổ sung đầu tư cảng biển cho xuất khẩu nông sản; đầu tư các công trình thủy lợi có tính chất liên kết vùng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bài, ảnh: AN CHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin