Theo các chuyên gia, nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm đang khiến ĐBSCL chìm nhanh. Nhiều giải pháp cho các vấn đề liên quan hướng đến việc sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất và giảm thiểu sụt lún đã được các chuyên gia đề ra tại hội thảo trực tuyến về "Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại ĐBSCL- khu vực Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long".
Sụt lún đất, nước biển dâng gây ra nhiều hệ lụy cho đồng bằng. |
Theo các chuyên gia, nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm đang khiến ĐBSCL chìm nhanh. Nhiều giải pháp cho các vấn đề liên quan hướng đến việc sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất và giảm thiểu sụt lún đã được các chuyên gia đề ra tại hội thảo trực tuyến về “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại ĐBSCL- khu vực Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long”.
Ngày càng đáng lo
Nhiều chuyên gia cho rằng: Việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng ĐBSCL đã gây ra sự sụt lún đất trung bình cho toàn đồng bằng và tốc độ sụt lún cũng đang gia tăng nhanh, nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Các thành phố và vùng sản xuất công nghiệp có tốc độ sụt lún nhanh hơn vùng nông thôn.
PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết: ĐBSCL là đồng bằng trẻ đang bị sụt lún, nguyên nhân chủ yếu là do khai thác nước ngầm tự do nhiều. Bên cạnh đó, việc gia tăng cơ sở hạ tầng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các đô thị.
Còn theo TS. Hà Quang Khải- Khoa Môi trường và Tài nguyên (Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) tình trạng khai thác nước ngầm được cảnh báo từ nhiều năm trước, việc khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước. “Nếu không có giải pháp thì sụt lún đất sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn”- TS. Hà Quang Khải nhận định.
Chia sẻ về các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên nước dưới đất và sụt lún tại Hậu Giang, ông Phạm Đức Huy- đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, cho biết: Theo các đánh giá và thực tiễn cho thấy, đồng bằng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Tình hình khai thác nguồn nước dưới đất ngày càng tăng, gây ra những hậu quả là tình trạng sạt lở và sụt lún đất. Ngoài xâm nhập mặn, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như mưa lớn, ngập úng, giông lốc,… cũng xảy ra thường xuyên vào mùa mưa.
Ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Trong quá khứ, ĐBSCL đã bị biển tiến Flandrian (còn gọi là biển tiến sau băng hà), nhấn chìm trong thời gian rất lâu. Tương lai, ĐBSCL sẽ bị biển tiến lần nữa hay không, đó là tùy thuộc vào chúng ta.
Vì mặt đất đang lún sụt (tốc độ sụt lún trung bình 0,96 cm/năm, riêng Cần Thơ 1,31 cm/năm), nước biển đang dâng.
“ĐBSCL sẽ dần dần chìm dưới đáy biển, thế hệ sau sống ra sao khi tài sản, của cải sẽ nằm dưới đáy biển? Còn nếu không ngập chìm trong nước, ĐBSCL cũng sẽ thiếu nước, sẽ dần dần sa mạc hóa, con người sẽ bỏ ruộng vườn di dân nơi khác, mất đất canh tác, mất an ninh lương thực... tiềm ẩn nhiều hệ lụy; liệu ĐBSCL sẽ ra sao?”- ông Huệ trăn trở đặt câu hỏi.
Tìm cách giảm thiểu sụt lún
Để giải quyết vấn đề sụt lún ở ĐBSCL, TS. Hà Quang Khải cho rằng: Cần phải gấp rút giảm ngay việc sử dụng nước ngầm. Khai thác nước ngầm kèm theo những rủi ro về xâm nhập mặn, rủi ro về sụt lún mặt đất.
Do vậy, để quản lý khai thác nước ngầm cho phù hợp, chúng ta có thể tìm nguồn nước khác thay thế hoặc có thể tìm giải pháp để duy trì, hạn chế hạ thấp mực nước ngầm thông qua bổ sung nhân tạo hoặc giảm khai thác nước ngầm.
Đề xuất một số ý tưởng về vấn đề nước dưới đất tại Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung, ông Văn Hữu Huệ nói: Hiện nay có nhiều nghiên cứu về ĐBSCL, nhưng cũng có không ít nghiên cứu chưa đi vào mục tiêu sống còn; nhu cầu bức xúc là phải chủ động nước, giảm thiểu lún sụt...
Chuyên gia chia sẻ về “Quản trị và vấn đề xã hội trong khai thác nước dưới đất và sụt lún đất” tại ĐBSCL. |
Để giải bài toán này cần có hồ chứa nước. Nhưng hồ chứa nước trên mặt đất không khả thi vì không còn đất, khả năng lấy sông lớn làm hồ thì mất nhiều diện tích và tốn kém nhiều vì phải đầu tư nhiều công trình lớn, chưa tối ưu vì ô nhiễm, giao thông, thủy sản... Do đó, ý tưởng giải bài toán này là khai thác các tầng đất chứa nước dưới đất ở ĐBSCL.
Theo PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí, cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nghị định về hạn chế khai thác nước dưới đất cùng với các văn bản pháp luật khác, nhằm hạn chế khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.
Tuy nhiên, ở những khu vực ven biển có giới hạn nguồn nước mặt vẫn chưa có những giải pháp cụ thể, họ vẫn sử dụng tài nguyên nước dưới đất là nguồn cấp nước chính cho các hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều bên và đưa ra giải quyết ở quy mô cấp vùng ĐBSCL.
Theo đó, các khuyến nghị được xác định, gồm: tăng cường khai thác nước mặt như một nguồn thay thế để giảm áp lực tài nguyên nước dưới đất.
Đề xuất xây dựng các khu khai thác nước dưới đất tập trung công suất lớn. Đồng thời, xem xét xây dựng một số hồ chứa nước ngọt tại các vùng ngập lũ tự nhiên (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) cũng như tận dụng hệ thống các sông tự nhiên không còn phục vụ cho mục tiêu giao thông thủy nhằm đảm bảo nguồn cung nước mặt, giảm thiểu nhu cầu khai thác nước dưới đất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Văn Hữu Huệ tâm huyết, nói: Trước nay chúng ta chỉ khai thác bề mặt, chưa khai thác các tầng đất bên dưới. “Nội tạng” của ĐBSCL là bãi đất hoang, là miền đất hứa cho các ngành khoa học mới, phong phú thêm cho các đề tài, luận án, luận văn khi khoa học kỹ thuật gần đủ tầm để khai thác. Khi chủ động được nước cho ĐBSCL, sẽ có nhiều lợi thế như: tôn trọng quy luật tự nhiên; đảm bảo nước cho tất cả nhu cầu kinh tế, chính trị, xã hội cho toàn ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển; giảm thiểu lún sụt; nuôi dưỡng mực nước ngầm để ém phèn đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp,… Vì vậy, hãy vì sự sống còn của ĐBSCL, hãy vắt kiệt bộ não, con tim mình cho ĐBSCL phát triển. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin