Sau hai tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch Covid-19, qua đó từng bước khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 liều nhắc lại cho nhân viên y tế tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: YẾN THƯ |
Sau hai tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch Covid-19, qua đó từng bước khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Do thực hiện thích ứng linh hoạt cho nên số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, đặt ra yêu cầu bám sát tình hình thực tế, triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp đối với các địa phương.
Nhờ những kết quả tích cực trong kiểm soát dịch Covid-19 mà thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư từng bước được phục hồi. Các địa phương và bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Đáng chú ý, nghị quyết đã tạo được khung pháp lý vững chắc giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn.
Các địa phương từng bước mở cửa cho hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất bảo đảm đời sống dân sinh, phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đến ngày 8/12 cả nước có 55 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông...
Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Hệ thống quản lý ca bệnh Covid-19, sau khi giảm về mức hơn 3.000 ca mắc/ngày (cuối tháng 10), dịch đã tăng trở lại, riêng bảy ngày qua có trung bình 14.487 ca/ngày.
Đến hết ngày 10/12, cả nước đã ghi nhận 1.382.272 ca nhiễm, đứng thứ 33 trong tổng số 223 quốc gia và vùng lãnh thổ; bình quân cứ 1 triệu người có 14.019 ca nhiễm. Đến nay, 1.052.341 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 27.402 ca tử vong.
Đáng chú ý, số ca mắc trong cộng đồng ghi nhận hằng ngày cũng đã chiếm hơn 50% tổng số ca mắc mới. Một số địa phương có số ca mắc cộng đồng tăng cao so với tuần trước, gồm: Bến Tre, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Hải Phòng, Gia Lai...
Hiện cả nước có 846 xã, phường ở mức nguy cơ cao (cấp độ 3), 218 xã, phường ở mức nguy cơ rất cao (cấp độ 4; so với tuần trước đó, tăng 211 xã, phường cấp độ 3, giảm 15 xã, phường cấp độ 4).
Mặc dù dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương.
Đáng chú ý, do dịch đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Đặc biệt thời gian tới, thời tiết chuyển mùa đông-xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của vi-rút, đồng thời gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến thể mới.
Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.
Từ thực tế đó đòi hỏi công tác ứng phó dịch cần được tập trung và hiệu quả hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Cần thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; linh hoạt tăng cấp độ phòng, chống dịch ở những khu vực có diễn biến dịch phức tạp để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Có kế hoạch chuẩn bị công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm soát tại các cửa khẩu để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới.
Mặc dù đã xác định “sống chung với dịch” nhưng vẫn cần tăng cường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, trường học; kiểm tra phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... để phát hiện sớm, có biện pháp xử lý, ngăn chặn lây lan trên diện rộng.
Về phía Bộ Y tế cần chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bảo đảm trong thời gian sớm nhất thực hiện tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và sớm triển khai tiêm mũi 3 cho người có nguy cơ cao cũng như chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi...
Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Cùng với lộ trình sản xuất trong nước, chắc chắn nguồn cung vaccine sẽ đáp ứng tốt công tác tiêm chủng tại nước ta trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những ngày gần đây tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 có xu hướng giảm. Tỷ lệ sử dụng vaccine trong tổng số vaccine được phân bổ của nhiều địa phương còn thấp, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa cao (dưới 85%).
Cục Y tế dự phòng đã có văn bản “thúc” các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Địa phương tổ chức các đội lưu động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vaccine, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.
Theo thống kê của các cơ sở điều trị, phần lớn những trường hợp tử vong là ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc người cao tuổi, sức khỏe suy giảm.
Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị đặc hiệu đang lưu hành trên thế giới để đưa về Việt Nam điều trị của bệnh nhân nặng.
Các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị vừa để giảm tối đa trường hợp tử vong cũng như chủ động thích ứng các tình huống dịch.
Kinh nghiệm qua những đợt tham gia chống dịch tại Hải Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... tại cuộc hội chẩn trực tuyến với đầu cầu An Giang sáng 10/12, PGS,TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, các địa phương cần quyết liệt phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 theo đúng mức độ của bệnh.
Đây là yếu tố tiên quyết để tránh xung đột về nhân lực, cơ sở vật chất cho các tầng, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng tầng 1 và tầng 2 phải chuyển lên tầng 3, từ đó giảm áp lực cho tầng trên và giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết, đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ rõ, các cơ sở y tế cần lập danh sách và phân loại bệnh nhân Covid-19 có kèm bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp... từ đó có kế hoạch điều trị cho phù hợp bởi các bệnh nhân có bệnh nền khi mắc Covid-19 thì nhiều nguy cơ sẽ trở nặng và khó qua khỏi nếu chúng ta không theo dõi sát sao và có phác đồ điều trị một cách hiệu quả.
Dịch còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới, tử vong vẫn tăng trong khi biến thể mới đe dọa. Hơn lúc nào hết, nguyên tắc phòng, chống dịch: 5K+vaccine, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân cần được thực hiện đồng bộ và xuyên suốt.
Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn, rất cần những sự chung sức, đồng lòng của người dân. Mỗi người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Theo Trung Hiếu/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin