Về hai "nữ tướng" lãnh đạo khởi nghĩa ở Vĩnh Long

06:11, 23/11/2021

Hai con người, hai huyền thoại giữa nhiều huyền thoại về những người con gái trong Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, đã noi gương Bà Trưng, Bà Triệu can trường, dũng cảm đấu tranh chống xâm lược khi tuổi đời còn trẻ, rất trẻ; là tấm gương, ngọn đuốc sáng cho tuổi trẻ hôm nay. Đó là hai nữ lãnh đạo Ngô Thị Huệ và Nguyễn Thị Hồng- biểu tượng rực rỡ của người phụ nữ Việt Nam.

 

Bà Ngô Thị Huệ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc gặp gỡ những nhà cách mạng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ.Ảnh tư liệu BVL
Bà Ngô Thị Huệ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc gặp gỡ những nhà cách mạng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ.Ảnh tư liệu BVL

Hai con người, hai huyền thoại giữa nhiều huyền thoại về những người con gái trong Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, đã noi gương Bà Trưng, Bà Triệu can trường, dũng cảm đấu tranh chống xâm lược khi tuổi đời còn trẻ, rất trẻ; là tấm gương, ngọn đuốc sáng cho tuổi trẻ hôm nay. Đó là hai nữ lãnh đạo Ngô Thị Huệ và Nguyễn Thị Hồng- biểu tượng rực rỡ của người phụ nữ Việt Nam.

Bà Ngô Thị Huệ

Bà Ngô Thị Huệ tên thật là Ngô Thị Ngỡi, sinh năm 1918 tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Kiên Giang (nay là TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Bà Ngô Thị Huệ là một trong 10 đại biểu nữ của Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Bà là phu nhân của đồng chí Nguyễn Văn Linh- cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản và sớm tham gia hoạt động cách mạng, 11 tuổi Ngô Thị Huệ đã được người anh rể thứ năm giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên.

Năm 1936, mới 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Đảng cộng sản. Sau đó bà tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều địa bàn, là Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (1937), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh (1938), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ (1939), ủy viên liên Tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây (1940). Trong Khởi nghĩa Nam Kỳ bà Ngô Thị Huệ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long được phân công chỉ huy Khởi nghĩa Nam Kỳ tại tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Tháng 10/1940, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp tại Gò Ân Nước Xoáy để phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ về khởi nghĩa. Tỉnh ủy nhất trí những chủ trương do Xứ ủy đề ra. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Khởi nghĩa toàn tỉnh, do đồng chí Thái Văn Đẩu làm trưởng ban (lúc này Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bảy vừa bị bắt); Phó Bí thư Ngô Thị Huệ lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và quận Châu Thành; đồng chí Nguyễn Hiếu Tự, Tỉnh ủy viên lãnh đạo khởi nghĩa tại quận Tam Bình; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Tỉnh ủy viên lãnh đạo khởi nghĩa tại quận Vũng Liêm.

Ngoài ra, đồng chí Quảng Trọng Hoàng- Xứ ủy viên kiêm Bí thư liên Tỉnh ủy đang có mặt tại Vĩnh Long, trực tiếp phụ trách Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh- có sự hỗ trợ của đồng chí Nguyễn Hùng Phước. Như vậy, về tổ chức cũng như các bước cho cuộc nổi dậy từ các quận, đến tỉnh, hội nghị Gò Ân Nước Xoáy của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã bàn, thống nhất cao trong Tỉnh ủy để chỉ đạo trong toàn tỉnh.

Kế hoạch chung của Tỉnh ủy Vĩnh Long là sẽ tiến hành mũi chính khởi nghĩa ở quận Châu Thành và tỉnh lỵ Vĩnh Long. Bà Ngô Thị Huệ đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo chung và trực tiếp phụ trách 2 địa bàn trên. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bị bại lộ, địch đề phòng nghiêm ngặt nên bà đã kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau đánh chiếm các đồn bót lẻ và tuyên truyền vũ trang bao vây tỉnh lỵ.

Ban Khởi nghĩa tỉnh lỵ đã chuyển hướng hành động, cử hai ông Nguyễn Hùng Phước và Nguyễn Hùng Minh lên phá phà Mỹ Thuận nhằm chặn đường tiến quân của địch từ Sài Gòn xuống. Tuy nhiên, hai ông này không đến được bến phà Mỹ Thuận vì không vượt qua được tuyến canh phòng dày đặc của địch.

Xoay chuyển tình thế, bà Ngô Thị Huệ dẫn một toán khoảng 50 người tiến công quận lỵ Long Hồ, phá cầu Ông Me và cầu Long Hồ, đốt sổ sách giấy tờ ở trụ sở làng Long Hồ, cắt đường dây điện thoại, đốn cây và vận động nhân dân đem đồ vật dựng chướng ngại vật trên đường lộ, cản mũi tiến quân của địch. Sáng 23/11/1940, cánh quân này rút về vùng Rừng Dơi (xã Phước Hậu, quận Châu Thành).

Sau đó, bà Ngô Thị Huệ đã nhiều lần bị địch bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Tháng 1/1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Ngô Thị Huệ được bầu để trở thành đại biểu Quốc hội, một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà ra Hà Nội nhận công tác Quốc hội vào tháng 10/1946.

Đầu năm 1947, bà Ngô Thị Huệ trở lại miền Nam tiếp tục hoạt động và được cử vào Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn. Bà tiếp tục tham gia các công tác Ban Tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ từ năm 1952- 1954, làm đại biểu Quốc hội lưu nhiệm (miền Nam) khóa II và III.

Cùng năm, bà Ngô Thị Huệ quen ông Nguyễn Văn Linh tức Mười Cúc (khi đó đang là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ) và tới tháng 5/1948, ở tuổi 29 bà cùng ông nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt này và đặc thù công tác của mỗi người, hai ông bà có nhiều năm tháng rất ít được gặp nhau.

Năm 1952, ông Nguyễn Văn Linh được điều ra Bắc nhưng bà Huệ vẫn ở miền Nam. Năm 1959 bà mang ba người con ra Hà Nội nhận công tác, ông vẫn ở miền Nam hoạt động cách mạng. Khi đất nước thống nhất năm 1975, bà vẫn chưa được về Nam gặp chồng ngay và phải sau chuyến đi chữa bệnh 4 tháng ở Đức về mới có cơ hội được vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng chồng con.

Họ đã chịu cảnh chồng Nam vợ Bắc xa cách nhau đúng 15 năm. Sau khi nghỉ hưu và về TP Hồ Chí Minh, bà Ngô Thị Huệ vẫn tích cực tham gia các phong trào phụ nữ. Năm 2012, với những công lao, thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bà Ngô Thị Huệ được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tháng 5/2020, bà được tặng huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Bà Nguyễn Thị Hồng

Bà Nguyễn Thị Hồng tên thật là Hà Thị Lan (sinh năm 1915, tại xã Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho- nay là tỉnh Tiền Giang), xuất thân trong gia đình nông dân nghèo.

Năm 1930, bà tham gia hoạt động cách mạng và tham gia gánh hát Đồng Nữ- gánh hát do cán bộ cách mạng tổ chức, diễn những vở tuồng lịch sử có nội dung yêu nước, cổ vũ nhân dân đứng lên chống ngoại xâm. Sau đó, bà tham gia rải truyền đơn ở Mỹ Tho, làm liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành Sài Gòn. Sau một thời gian hoạt động, bà bị địch bắt nhưng mưu trí trốn thoát rồi về Cà Mau tiếp tục hoạt động.

Tháng 6/1938, Nguyễn Thị Hồng được kết nạp vào Đảng và hoạt động ở Hội Tương tế tỉnh Cần Thơ. Đến tháng 9/1939, bà được điều về tỉnh Vĩnh Long, củng cố gây dựng lại cơ sở cách mạng tại quận Vũng Liêm. Tháng 6/1940, bà được chỉ định làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Vĩnh Long, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm.

Cuối năm 1940, tình hình tỉnh Vĩnh Long nói chung và quận Vũng Liêm lúc đó khá ít đảng viên và cán bộ nòng cốt, do lực lượng của ta bị địch bắt bớ, giam cầm. Tháng 10/1940, Tỉnh ủy Vĩnh Long triệu tập cuộc họp tại Gò Ân Nước Xoáy để phổ biến nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ và bàn kế hoạch khởi nghĩa.

Và ngay trong chiều tối sau cuộc họp Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm và Ban khởi nghĩa quận đã tiến hành cuộc họp để thống nhất kế hoạch khởi nghĩa tại Vũng Liêm.

Hội nghị diễn ra vào khoảng 18 giờ ngày 22/11/1940 và kết thúc sau đó 2 tiếng- sát ngay giờ quy định khởi nghĩa của Xứ ủy, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy, và các quận ủy viên: Nguyễn Văn Nhung, Phạm Văn Ba, Trần Ngọc Đảnh, Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt), cùng các cán bộ Hồ Chí Thiện (Năm Tép), Huỳnh Văn Đắc, Nguyễn Ngọc Yến, Trần Văn Nghị (Trần Kim Giảo).

Hội nghị đã bàn và nhất trí kế hoạch cụ thể, chia các cánh quân làm 3 mũi:

Mũi thứ nhất, khoảng 80 nghĩa quân thuộc các xã Trung Thành, Trung Hiếu do các đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phạm Văn Ba, Út Tạo… chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ, đồn lính mã tà, nhà bưu điện… Sau khi chiếm được các điểm trên thì đưa lực lượng đi chiếm đồn lính làng Trung Ngãi và hỗ trợ cho mũi thứ 3.

Mũi thứ hai, khoảng 100 nghĩa quân do đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm Bắc Nước Xoáy (nay là xã Tân An Luông) và chặn cắt giao thông đường bộ từ Vĩnh Long
đi xuống.

Mũi thứ ba, do đồng chí Nguyễn Văn Nhung (Ba Sa) chỉ huy với lực lượng khoảng 30 nghĩa quân của làng Trung Ngãi, có nhiệm vụ chiếm và phá cầu Mây Tức, cầu Giồng Ké cắt không cho địch từ Trà Vinh lên tiếp viện Vĩnh Long.

Đúng 24 giờ đêm 22/11/1940, bà Nguyễn Thị Hồng phát loa chính thức kêu gọi toàn dân nổi dậy cướp chính quyền.

Chân dung bà Nguyễn Thị Hồng (1915- 1992).
Chân dung bà Nguyễn Thị Hồng (1915- 1992).

Tại mũi thứ nhất, nghĩa quân nhanh chóng tiến vào bắt giữ 2 tên lính gác, chiếm được dinh quận và trại lính, nhà bưu điện. Nhìn thấy lúc nửa đêm nhân dân hò reo, nghĩa quân ào ạt tiến vào dinh quận, tên Quận trưởng Hải hoảng sợ bỏ chạy. Nghĩa quân nổi lửa đốt dinh quận, phá cổng trại giam, giải thoát 45 cán bộ và đồng bào ta đang bị chúng giam giữ. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được các ông Phạm Văn Ba, Nguyễn Ngọc Yến treo ngay trên nóc trại lính.

Cùng thời điểm trên, mũi do đồng chí Phan Văn Hòa (tức Võ Văn Kiệt) chỉ huy- đã đánh chiếm Bắc Nước Xoáy trên sông Măng Thít. Sau đó, nghĩa quân vượt qua sông phía quận Tam Bình, gặp các nghĩa quân do đồng chí Quảng Trọng Hoàng chỉ huy, đã cùng phối hợp phá đồn lấy súng, hoàn thành nhiệm vụ mũi thứ hai.

Tại mũi thứ ba, nghĩa quân đã nhanh chóng chiếm được đồn Trung Ngãi, hoàn toàn làm chủ tình hình. Tại làng Tân An Luông và Hiếu Thành, nghĩa quân ngay trong đêm đã chiếm đồn, nhà việc, sau đó nghĩa quân vào các ấp giải tán tề địch, đốt sổ sách của nhà việc tại các làng này.

Ba mũi khởi nghĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cách mạng giải phóng hoàn toàn quận Vũng Liêm.

Sau khi quân Pháp phản công chiếm lại Vũng Liêm, chúng tiến hành truy lùng, đàn áp, bắt bớ rất gắt gao những người tham gia khởi nghĩa. Bà Nguyễn Thị Hồng phải chuyển địa bàn về Rạch Giá và được phân công làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Rạch Giá). Đến tháng 5/1941, bà bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, bà Nguyễn Thị Hồng về tỉnh Sa Đéc tiếp tục hoạt động. Từ năm 1945- 1949, bà là Huyện ủy viên huyện Châu Thành (Sa Đéc) rồi Ủy viên BCH Phụ nữ Nam Bộ. Năm 1950, bà được điều về làm Ủy viên BCH Phụ nữ tỉnh Vĩnh Trà cho đến năm 1954. Từ năm 1955- 1957, bà được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, rồi Bí thư Thị ủy Trà Vinh.

Từ năm 1958- 1959, bà Hồng là Huyện ủy viên huyện Cầu Kè. Năm 1960, bà được điều sang công tác ở tỉnh Cần Thơ, rồi làm cán bộ Khu ủy Khu Tây Nam Bộ cho đến ngày giải phóng. Sau năm 1975, bà công tác ở Ban Bảo vệ Đảng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cửu Long.

(*) Chiều ngày 22/11/1940, đồng chí Tạ Uyên và đồng chí Phan Đăng Lưu bị Pháp bắt.

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh